Thị trường chứng khoán ngày 25/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Mốc 1.280 tiếp tục làm khó VN-Index; Cổ phiếu PVH tiếp tục bị hạn chế giao dịch trên UPCoM; Hơn 162 triệu cổ phiếu SHS sắp nhập sàn HNX...là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 25/8/2022.

Mốc 1.280 tiếp tục làm khó VN-Index: Phiên giao dịch ngày 24/8, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.277,16 điểm, tăng 6,35 điểm (+0,50%) so với phiên hôm qua. Thanh khoản cũng được cải thiện phần nào khi có đến hơn 600 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 15 nghìn tỷ đồng. Sắc xanh cũng chiếm ưu thế lớn trên bảng điện khi có 279 mã tăng giá, trong khi đó số mã giảm điểm chỉ là 172 mã, còn lại là 74 mã đóng cửa tham chiếu.

VN30 cũng chỉ tăng nhẹ 4,41 điểm (+0,34%). Sắc xanh là màu chủ đạo của nhóm này khi có 17/30 mã tăng điểm. Trong đó nổi bật nhất chính là "ông vua" ngành sữa VNM (+2,51%) và ông lớn ngân hàng VCB (+2,24%) với mức tăng tốt nhất toàn nhóm. Nhóm cổ phiếu bất động sản là một trong những nguyên nhân chính khiến VN-Index không thể vượt mốc 1.280 khi có những điều chỉnh khá mạnh. Sau phiên tăng tốt hôm trước, áp lực bán đã quay trở lại khiến các cổ phiếu tròn nhóm đồng loạt giảm điểm. Một vài cái tên đáng chú ý có thể kể đến như CEO (-1,48%), L14 (-1,38%) hay DIG (-1,00%).

Thị trường chứng khoán ngày 25/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Khối ngoại vẫn "xuống tay" chốt lời phiên 24/8: Trong khi cầu trong nước vẫn hỗ trợ tốt cho xu hướng hồi phục của thị trường thì khối ngoại đẩy mạnh bán ròng với tổng giá trị đạt xấp xỉ 160 tỷ đồng trong phiên 24/8, gần gấp rưỡi phiên trước đó. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 24/8, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,05 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 158,75 tỷ đồng, gấp hơn 8 về lượng và tăng 43,61% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 23/8 (bán ròng 110,54 tỷ đồng).

Cổ phiếu PVH tiếp tục bị hạn chế giao dịch trên UPCoM: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo duy trì diện hạn chế giao dịch đối với 21 triệu cổ phiếu PVH của CTCP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2021 của PVH Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng không công bố thông tin về ĐHCĐ thường niên 2022 quá 6 tháng kể từ ngày 31/12/2021. Quý II/2022, doanh nghiệp này báo doanh thu chỉ 142 triệu đồng qua đó nâng lũy kế nửa đầu năm 2022 lên mức 1,95 tỷ. Công ty báo lỗ quý gần 2,7 tỷ đồng (lỗ bán niên ở mức 4,5 tỷ).

Hơn 162 triệu cổ phiếu SHS sắp nhập sàn HNX: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc chấp thuận chấp thuận niêm yết bổ sung đối với 162,6 triệu cổ phiếu SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã SHS - HNX). Theo đó, ngày 26/8 tới, số lượng cổ phiếu này sẽ được chính thức hòa nhập sàn HNX. Được biết số cổ phiếu trên đã được phía SHS phát hành thành công ngày 25/7/2022 trong đó hơn 117 triệu cổ phiếu dùng để trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 18% và phát hành hơn 45,5 cổ phiếu tỷ lệ 7% nhằm tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty chứng khoán này tăng lên mức hơn 8.100 tỷ đồng.

Louis Capital (TGG) "sang tay" 19% cổ phần Angimex Furious cho Angimex (AGM): Ngày 23/8, HĐQT CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang - Angimex (Mã chứng khoán: AGM) đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 19% phần vốn góp của CTCP Louis Capital (Mã chứng khoán: TGG) tại Công ty TNHH Angimex Furious (AGM Furious), công ty con của Angimex. Theo đó, AGM ủy quyền cho Tổng Giám đốc - Người đại diện theo pháp luật làm việc với TGG về việc nhận chuyển nhượng phần góp vốn này. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022. Sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp, tỷ lệ sở hữu của Angimex tại AGM Furious tối đa 70% vốn điều lệ. Giá trị chuyển nhượng không được tiết lộ.

Chủ tịch Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT) muốn mua thêm 3 triệu cổ phiếu: Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT – sàn HOSE) đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu AAT nhằm nâng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 30/8 đến ngày 28/9/2022, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Xuân Lâm sẽ nâng sở hữu tại AAT từ 4,52 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,089% lên 7,52 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,79%. Mới đây, từ ngày 22/7 đến ngày 19/8, ông Lâm đã đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu AAT nhưng chỉ mua được 692.800 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thành công đạt gần 7,7%. Nguyên nhân giao dịch không hoàn tất là do giá thị trường không như kỳ vọng.

Một công ty con của IDICO (IDC) chia cổ tức 20% bằng tiền mặt: Ngày 20/9 tới đây, CTCP Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO (ISH – UPCoM) sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng. Như vậy, với 45 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ phải chi tương ứng 90 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 12/10/2022. Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO có vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Mới đây, cổ đông lớn nhất của ISH là Tổng công ty IDICO – CTCP đã liên tục gia tăng sở hữu tại Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO và hiện đang nắm giữ xấp xỉ 23,3 triệu cổ phiếu ISH, tương ứng tỷ lệ 51,78%.

Sonadezi Long Thành chia cổ tức tỷ lệ cao kỷ lục từ khi lên sàn: HĐQT CTCP Sonadezi Long Thành (SZL – sàn HOSE) vừa thông qua việc chia cổ tức năm 2021. Theo đó, Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 13/9, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 30/9/2022. Như vậy, với 18,19 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sonadezi Long Thành sẽ chi khoảng 72,76 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Đây là mức chia cổ tức cao nhất của SZL kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE (năm 2008). Trong 2 năm gần đây (2019 – 2020), Công ty đều chia cổ tức 30% bằng tiền mặt, còn những năm trước đó hầu hết đều thấp hơn.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục