Thị trường chứng khoán ngày 23/8: Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán ngày 23/8 nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, biến động hẹp và kèm theo thanh khoản thấp.
Thị trường chứng khoán ngày 16/8: Đối diện rủi ro điều chỉnh ?

Quán tính giảm điểm và tích lũy ngắn hạn

Sau 6 tuần chỉ số VN-Index tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán bước vào nhịp điều chỉnh nhẹ để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ gần trước khi xác định xu hướng mới.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đưa quan điểm dưới góc nhìn kỹ thuật cho thấy, chỉ số VN-Index đã có 3 phiên điều chỉnh liên tiếp. Hiện tại, chỉ số đang lùi về hỗ trợ gần nhất là đường SMA 20 ngày. Cùng với đó, thanh khoản đang có dấu hiệu kém sôi động trở lại khi duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Do đó, chỉ số cần nhanh chóng chinh phục được đường SMA 100 ngày nhằm giữ vững sự lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ báo MACD đảo chiều và cho tín hiệu bán trở lại, qua đó cho thấy rủi ro đang gia tăng.

Đồng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán Asean (Aseansc) tỏ ra quan ngại vì có thể trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,255 – 1,260 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,245 – 1,250 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó.

Thị trường chứng khoán ngày 23/8: Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm điểm
Thị trường chứng khoán ngày 23/8 có thể tiếp tục điều chỉnh

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng cho rằng thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Do đó, thị trường có thể sẽ biến động hẹp với thanh khoản thấp và dòng tiền có thể sẽ tiếp tục suy yếu ở những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm về mức cân bằng cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại.

Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đưa ra những lý giải về việc dòng tiền và tâm lý thị trường đang ngày một yếu đi. Trong các phiên gần đây, số lượng các cổ phiếu chịu áp lực giảm đang ngày một nhiều hơn và điều này cho thấy số người giao dịch ngắn hạn T+ có lãi đang dần ít đi trong khi số người bị mất tiền đang gia tăng. Khi các giao dịch ngắn hạn gặp thua lỗ thay vì có lợi nhuận như trước dòng tiền và tâm lý sẽ thận trọng hơn. Ngoài ra, một yếu tố bất lợi cho thị trường chứng khoán Việt nam là bối cảnh của thị trường chứng khoán quốc tế cũng đang có những diễn biến kém thuận lợi so với vài tuần trước.

Hạn chế sử dụng “giao dịch ký quỹ”

Trước những chỉ báo về kỹ thuật, yếu tố về kinh tế vĩ mô, yếu tố hiện tại của thị trường chứng khoán trong nước và thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index trong ngắn hạn, do đó các công ty chứng khoán đã có những khuyến nghị khách quan dành cho các nhà đầu tư.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhận thấy, thị trường vẫn còn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh và cần chờ tín hiệu xác nhận vùng hỗ trợ 1.255 điểm của chỉ số VN-Index hoặc tín hiệu hỗ trợ khác mạnh hơn. Do đó, các nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát tín hiệu cung cầu, tạm thời nên hạn chế vị thế mua và cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro do yếu tố hỗ trợ chưa rõ ràng của thị trường.

Thêm nữa, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo rằng, chỉ số VN-Index có thể xuất hiện giai đoạn đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ khi áp lực bán xuất hiện tại đường trung bình 100 kỳ. Chiến lược đầu tư giai đoạn này là nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục, tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Tuy nhiên, việc sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) ở giai đoạn này có thể không phù hợp do rủi ro điều chỉnh vẫn còn.

Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, chỉ số VN-index đã 6 tuần tăng điểm liên tiếp nên vài nhịp chỉnh gần đây là cần thiết để thị trường tiếp tục tích lũy để đi tiếp. Do đó, trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới mà tiếp tục đứng ngoài quan sát, chờ đợi chỉ số VN-Index kiểm tra lại ngưỡng (1,200 – 1,220) để xác định rõ xu hướng rồi giải ngân tiếp.

Thái Tào

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục