Gần 2 tỷ cổ phiếu SHB sắp 'chuyển nhà' sang HOSE: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có thông báo về việc chuyển giao dịch cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Cụ thể, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu SHB sẽ được chuyển niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE, tương đương với giá trị cổ phiếu chuyển giao dịch theo mệnh giá là 19.260 tỷ đồng. Trao đổi với phía SHB, ngân hàng tạm thời cho biết chưa chốt thời điểm chuyển sàn. Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp chuyển giao dịch có trách nhiệm lựa chọn ngày giao dịch đầu tiên tại HOSE cách ngày giao dịch cuối cùng tại HNX ít nhất 3 ngày làm việc.
Cổ phiếu IFC sẽ “rời sàn” UPCoM kể từ ngày 08/10: Cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (UPCoM: IFC) sẽ chính thức không còn được giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 08/10. Nguyên nhân là do IFC đã bị hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo ngày 09/09 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vì vậy, theo quy định, 9 triệu cp IFC đang giao dịch trên sàn UPCoM của Công ty sẽ bị hủy đăng ký giao dịch. Cổ phiếu IFC trên thị trường nhìn chung khá kém thanh khoản khi từ đầu năm 2021 đến nay chỉ ghi nhận bình quân 530 cp/phiên. Thị giá cổ phiếu này sau hơn 9 tháng cũng chỉ tăng 10%, lên 8.800 đồng/cp. IFC là Công ty hoạt động trên các lĩnh vực như: Phân phối sỉ và lẻ ngành hàng thực phẩm công nghệ, dịch vụ vận chuyển, cho thuê văn phòng, kho bãi, hợp tác đầu tư...
Khối ngoại đảo chiều bán ròng trên cả 2 sàn, FUEVFVND bị rút ròng mạnh nhất với hơn 162 tỷ đồng: Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi mua vào 40 triệu cổ phiếu, trị giá 1.410 tỷ đồng, trong khi bán ra 52 triệu cổ phiếu, trị giá 1.825 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 12,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 415 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 490 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 17 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF FIEVFVND với 162 tỷ đồng. HPG và VIC bị bán ròng lần lượt 97 tỷ đồng và 93 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 86 tỷ đồng. VNM và HSG được mua ròng lần lượt 74 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
Saigonbank lại thoái vốn bất thành tại BVB: Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, lúc 16h ngày 17/09/2021, là thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia và nộp tiền cọc mua cổ phiếu bán đấu giá ra công chúng của cổ đông Saigonbank sở hữu tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB), trên hệ thống đấu giá của HOSE ghi nhận không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá. Theo đó, HOSE cho biết cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức và do vậy, cuộc đấu giá được coi là không thành công. Trước đó, ngày 14/07/2021, cuộc đấu giá này cũng bị hủy vì không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá. Như vậy, đây là đã lần thứ hai Saigonbank thoái vốn bất thành tại BVB.
Đầu tư Sài Gòn VRG chuẩn bị phát hành gần 1,6 triệu cổ phiếu ESOP: CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã CK: SIP) vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Cụ thể, SIP dự kiến phát hành gần 1,6 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 1,74% số lượng cổ phần đang lưu hành. Giá phát hành bằng giá trị sổ sách trên BCTC hợp nhất của công ty tại thời điểm 31/12/2020 là 34.984 đồng/cp. Số lượng cổ phiếu ESOP mới này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 30/9/2021 đến ngày 31/12/2021. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SIP bắt đầu tăng mạnh từ hồi nửa cuối năm 2020, từ vùng giá 60.000 đồng/cp lên vùng đỉnh lịch sử 228.700 đồng/cp vào hồi cuối tháng 1/2021. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9, cổ phiếu SIP dừng tại mức 135.300 đồng/cp.
Tài sản của Vietjet tăng hơn 1.200 tỷ sau soát xét: Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét cho thấy tổng tài sản tại ngày 30/6 năm nay đạt 49.856 tỷ đồng, tăng gần 4.700 tỷ so với ngày đầu năm và cao hơn 1.236 tỷ so với báo cáo tự lập. Trong đó, tài sản ngắn hạn điều chỉnh giảm 2.910 tỷ, còn tài sản dài hạn điều chỉnh tăng 4.146 tỷ so với trước soát xét. Biến động nhiều nhất là các khoản mục phải thu, như thể hiện trong bảng dưới đây. Giá trị tài sản ngắn hạn sau soát xét là hơn 25.200 tỷ đồng, chiếm 50,55% tổng tài sản và lớn hơn khoảng 5.900 tỷ so với nợ ngắn hạn, đồng nghĩa với hiệc hệ số thanh toán hiện hành lớn hơn 1. Nợ phải trả tại ngày cuối quý II là gần 32.900 tỷ, chiếm khoảng 66% tổng nguồn vốn và tăng gần 2.700 tỷ so với đầu năm.
Bột giặt NET chốt quyền trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, tỷ lệ 60%: Ngày 1/10, CTCP Bột giặt NET (HNX – Mã: NET) sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2020. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 60% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 6.000 đồng). Thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 20/10. Với gần 22,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ phải chi xấp xỉ 134 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Hiện tại cổ đông lớn nhất của NET là Công ty TNHH Masan HPC đang sở hữu hơn 11,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 52,25% ước tính sẽ thu về 70,22 tỷ đồng cổ tức từ NET.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|