Thị trường chứng khoán ngày 22/3/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) MWG nhận gần 6.600 tỷ đồng cổ tức từ Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh; Không báo cáo giao dịch cổ phiếu BCG, một cá nhân bị phạt 45 triệu đồng; Cổ phiếu kín room bớt 'nóng’ với khối ngoại; Vietjet bắt đầu bán cổ phiếu quỹ từ ngày 30/3;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 22/3/2021.

Quỹ đầu tư 'nhẹ tay' bán ra: Các quỹ đầu tư trong tuần qua (08-12/03/2021) giao dịch khá trầm lắng, nhưng xu hướng chung vẫn là giảm bớt tỷ lệ sở hữu nắm giữ. Trong đó, thành viên Amersham Industries Limited thuộc Dragon Capital đã bán 1 triệu cp HPG vào ngày 17/03. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital tại HPG giảm từ 6% (198,81 triệu cp) xuống mức 5,97% (197,81) triệu cp. Ở chiều bán ra còn có Samarang Ucits đã thoái 59.100 cp HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An) vào ngày 16/03, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống mức 6,91%, tương 3,27 triệu cp. Tại UIC (CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị IDICO), quỹ AFC VF Limited đã cơ cấu danh mục đầu với tỷ lệ sở hữu tăng lên mức 7,08% sau khi mua thêm 88.200 cp UIC từ ngày 10-16/03.

Vietjet bắt đầu bán cổ phiếu quỹ từ ngày 30/3: Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) dự định bán toàn bộ 17.772.740 cổ phiếu quỹ đang nắm giữ nhằm tăng nguồn vốn lưu động, phục vụ hoạt động kinh doanh. Thời gian giao dịch dự kiến từ 30/3 đến 28/4 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên Sàn Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Kết phiên hôm nay 19/3, giá cổ phiếu VJC dừng ở 130.500 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, Vietjet sẽ có thể thu về khoảng 2.300 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ.

T+4 là phương án tối ưu nhất: Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Sơn cho biết, các bên đã cùng chốt việc tạm dừng giao dịch với các cổ phiếu chuyển sàn từ HOSE sang HNX là T+4. Ông Nguyễn Sơn cho biết, ngày T+0 là ngày cổ phiếu giao dịch, sau đó, ngày T+2, các bên thanh toán xong. Sang ngày T+3, dữ liệu sẽ được chuyển đổi và thực hiện các công việc khác để tiến hành chuyển cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX. Tất cả các công việc sẽ làm gọn trong đúng 1 ngày để ngày T+4, cổ phiếu chuyển sàn sẽ được giao dịch trở lại. “Đây là phương án tối ưu rồi”, ông Sơn chia sẻ.

MWG nhận gần 6.600 tỷ đồng cổ tức từ Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh: Trong năm vừa qua, công ty mẹ MWG ghi nhận nhiều giao dịch nghìn tỷ với các công ty con và bên liên quan khác. Đáng chú ý nhất trong số này là CTCP Thế Giới Di Động – đơn vị trực tiếp vận hành hàng nghìn cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trên cả nước. Cụ thể, năm 2020, MWG nhận 6.596 tỷ đồng cổ tức từ CTCP Thế Giới Di Động, cao gấp ba lần năm 2019. Bên cạnh đó, MWG còn cho Thế Giới Di Động vay 2.211 tỷ đồng, lãi cho vay là 152 tỷ đồng. Cũng trong năm vừa qua, MWG còn góp thêm vốn 800 tỷ đồng vào công ty con này, nâng tổng giá trị vốn góp từ 2.027 tỷ đồng lên 2.827 tỷ đồng, duy trì sở hữu 99,95% vốn.

Không báo cáo giao dịch cổ phiếu BCG, một cá nhân bị phạt 45 triệu đồng: Ngày 17/03/2021, UBCKNN đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Hoàng Bảo Cát. Cụ thể, bà Hoàng Bảo Cát - người có liên quan của ông Phạm Nguyễn Thiên Chương, Thành viên HĐQT độc lập của CTCP Bamboo Capital (HOSE: BCG) bị phạt tiền 45 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Trước đó, bà Cát đã mua 333.900 cổ phiếu BCG từ ngày 22/09-29/12/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.

Cổ phiếu kín room bớt 'nóng’ với khối ngoại: Một trong những hạn chế đầu tư của khối ngoại tại Việt Nam chính là giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại). Do yếu tố kín room, nhà đâu tư nước ngoài thường phải thỏa thuận ngoài sàn cộng thêm một phần bù (premium) nhất định. Theo một báo cáo của HSBC, trước đây cổ phiếu Việt Nam thường khó mua với khối ngoại do vấn đề kín room. Dù phải trả mức giá cao hơn thị trường, mức định giá của các công ty này vẫn thấp hơn so với các công ty cùng khu vực châu Á nhờ khả năng trưởng cao. Do đó, tỷ lệ premium ở Việt Nam theo HSBC có vẻ không quá cao. Tuy nhiên, khi thị giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian gần đây và lập đỉnh lịch sử cùng với việc khối ngoại rút ròng liên tiếp khiến một số cổ phiếu kín room bớt đi “sức nóng”. Nhiều cổ phiếu được thỏa thuận trên sàn và thậm chí là hở "room".

Tự doanh CTCK bán ròng trở lại 75 tỷ đồng trong tuần 15-19/3: Điểm tiêu cực của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại lẫn tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) đều bán ròng. Theo thống kê của FiinPro, dòng vốn tự doanh trên HoSE trong tuần từ 15-19/3 mua vào 38,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.742 tỷ đồng, trong khi bán ra 56 triệu cổ phiếu, trị giá 1.817 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng là 17,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 75 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng gần 3.200 tỷ đồng trong tuần VN-Index chạm mốc 1.200 tỷ đồng: Thị trường chứng khoán tương đối tích cực trong tuần từ 15-19/3, VN-Index có những phiên tăng, giảm điểm đan xen. Điểm tiêu cực của thị trường tuần qua là khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh và ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Cùng với đó, do là tuần 2 quỹ ETF V.N.M và FTSE thực hiện giao dịch để cơ cấu danh mục đầu tư quý I nên cũng ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn ngoại. Tính chung trên cả 3 sàn giao dịch, khối ngoại mua vào 192,5 triệu cổ phiếu, trị giá 6.774 tỷ đồng, trong khi bán ra 262,8 triệu cổ phiếu, trị giá 9.957 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 70,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.183 tỷ đồng.

Tân An 

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục