Khối ngoại lại bán đột biến hơn 1.400 tỷ đồng, riêng HPG, NLG và VIC chiếm quá nửa: Phiên 20/10, khối ngoại giao dịch theo chiều hướng rất tiêu cực khi mua vào 36,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.509 tỷ đồng, trong khi bán ra 61,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.914 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 25,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.404 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đột biến 1.363 tỷ đồng, gấp 3 lần so với giá trị bán ròng của phiên trước, đây cũng là phiên bán ròng thứ 3 của dòng vốn này với giá trị tổng cộng 2.439 tỷ đồng. Vị trí dẫn đầu về giá trị bán ròng của khối ngoại vẫn thuộc về HPG với 359 tỷ đồng, tiếp đến là NLG bị bán ròng 235 tỷ đồng, VIC và VHM bị bán lần lượt 128 tỷ đồng và 126 tỷ đồng. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL được mua ròng mạnh nhất với 66 tỷ đồng. VNM và DPM được mua ròng lần lượt 64 tỷ đồng và 57 tỷ đồng.
Louis Land muốn "tháo chạy" khỏi TDH: Theo đó, CTCP Louis Land (HNX: BII) dự kiến bán toàn bộ gần 11,35 triệu cổ phiếu của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, HOSE: TDH) đang sở hữu, chiếm tỷ lệ 10,07% vốn tại đây. Theo thông báo, giá bán sẽ theo giá thực tế trên thị trường giao dịch chứng khoán, HĐQT BII ủy quyền cho Tổng Giám đốc quyết định giá bán tại từng thời điểm. Trên sàn chứng khoán, sau khi lập đỉnh 15.050 đồng/cp trong phiên 23/09/2021, cổ phiếu TDH có chuỗi giảm sàn liên tiếp 4 phiên. Hiện giá TDH còn 10.850 đồng/cp vào phiên sáng 20/10, giảm 28% từ đỉnh. Chiếu theo mức giá này, ước tính BII sẽ thu về hơn 123 tỷ đồng sau khi không còn là cổ đông của TDH. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo sẽ đưa cổ phiếu TDH vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 21/10. Nguyên nhân được HOSE đưa ra là Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.
GTN bị phạt do vi phạm công bố thông tin: Ngày 15/10/2021, Thanh tra UBCKNN đã có quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP GTNFoods (HOSE: GTN). Theo đó, GTN bị phạt tiền 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, GTN công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN theo quy định pháp luật các tài liệu sau: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (Phương án sáp nhập tổng thể và Hợp đồng sáp nhập giữa Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam – CTCP và Công ty có nội dung về tỷ lệ hoán đổi sáp nhập; BCTC năm 2020 riêng và hợp nhất đã được kiểm toán ký ngày 18/3/2021); tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (BCTC năm 2019 riêng và hợp nhất đã được kiểm toán ký ngày 14/02/2020).
Thành viên BKS Hapaco bị phạt 130 triệu đồng: Ngày 18/10/2021, UBCKNN ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Bà Khoa Thị Thanh Huyền (Đ/C: số 72A/132 An Đà, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng). Theo đó, bà Huyền bị phạt 130 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, bà Khoa Thị Thanh Huyền - Thành viên Ban Kiểm soát của Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP) đã bán 193.100 cổ phiếu HAP vào ngày 10/5, bán 21.500 cổ phiếu vào ngày 11/5, bán 897.200 cổ phiếu vào ngày 27/5, bán 420.300 cổ phiếu và mua 10.000 cổ phiếu ngày 31/5/2021. Tiếp đó, bà mua 350.600 cổ phiếu và bán 591.000 cổ phiếu từ ngày 1/6 đến ngày 11/6 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - HVN) vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên. Trước đó vào cuối tháng 7, hãng hàng không đã xin gia hạn với lý do quá trình lập cũng như soát xét báo cáo gặp khó khăn trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Trong báo cáo, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Cụ thể, tổng công ty lỗ 8.622 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Nợ ngắn hạn tại cuối quý II vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng. Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng. Theo kiểm toán, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines…
FPT báo lãi quý III cao nhất từ năm 2018: Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2021. 9 tháng, Tập đoàn FPT ghi nhận 24.953 tỷ đồng doanh thu và 4.575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17,9% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái với động lực chính từ mảng công nghệ và viễn thông. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được khoảng 72% mục tiêu doanh thu và 74% lợi nhuận cả năm. Tính riêng quý III, FPT đạt 8.722 tỷ đồng doanh thu, 1.639 tỷ đồng lãi trước thuế; tăng lần lượt 15% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất từ năm 2018 tới nay.
Chứng khoán Dầu khí báo lãi quý 3/2021 tăng trưởng hơn 800%: CTCP Chứng khoán Dầu khí (mã chứng khoán: PSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với tổng doanh thu đạt 147 tỷ đồng – tăng 308%. Trong khi đó, chi phí tăng thấp hơn so với mức tăng của doanh thu, giúp cho lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 16,9 tỷ đồng, ghi nhận sự tăng trưởng 864% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, PSI đạt 336 tỷ đồng doanh thu – con số cao nhất trong lịch sử hoạt động và 31,5 tỷ đồng LNST – tăng 502%. Ngay từ quý 2, PSI đã vượt kế hoạch kinh doanh cả năm. Theo giải trình của công ty, trong quý 3, các hoạt động kinh doanh chính đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 66,3 tỷ đồng - tăng 5.250%; Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 36,5 tỷ đồng - tăng 128%; Doanh thu nghiệp vụ môi giới đạt 31,5 tỷ đồng - tăng 265%; doanh thu hoạt động tư vấn tài chính tăng đạt 6,25 tỷ đồng - 66%; Thu nhập hoạt động khác tăng 90%; Doanh thu do chênh lệch lãi tỷ giá hối đoái đã và chưa thực hiện tăng 7.445%...
Tuệ An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|