Cổ phiếu ngân hàng níu VN-Index tăng nhẹ: VN-Index đóng cửa tuần thứ 51 của năm 2022 với 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, có thêm 0,67 điểm tương đương 0,06% đóng cửa tại 1.052,48 điểm. Chỉ số duy trì được mức tăng 20,45% kể từ mức thấp nhất 873,78 điểm thiết lập ngày 16/11/2022. Trong khi đó, HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,85%), xuống 212,99 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 14.237 tỷ đồng, giảm 18,08% so với tuần trước đó, nhưng tăng 4,3% so với trung bình 5 tuần gần đây. Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có duy trì đà mua ròng tuần thứ 6 liên tục với quy mô hơn 1.900 tỷ đồng.
Đóng góp lớn nhất cho đà phục hồi của VN-Index chính là nhóm phiếu ngân hàng khi có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm này bao gồm VCB, VPB, EIB, TCB và MBB nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tuần. Tổng cộng, 5 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng gần 9 điểm, trong đó VCB dẫn đầu cả nhóm với hơn 2,8 điểm. Bên cạnh nhóm ngân hàng, HVN và HPG là 2 cổ phiếu ghi nhận mức kéo tăng đáng kể trong tuần qua với lần lượt 1,95 điểm và 1,83 điểm. Trong khi đó ở phe kéo giảm, cũng xuất hiện không ít cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng gây ảnh hưởng tiêu cực cho chỉ số như BID, LPB và OCB. Tuy nhiên, 3 cổ phiếu này chỉ làm mất hơn 0,7 điểm của VN-Index.
Khối ngoại vẫn cho thấy sự lạc quan: Trái ngược với sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn cho thấy sự lạc quan với việc tiếp tục mua ròng gần 1.900 tỷ đồng trong tuần qua. Song con số này tiếp tục giảm so với tốc độ mua ròng những tuần trước đó. Thậm chí, nếu xét về mặt khối lượng, nhà đầu tư nước ngoài đã đứt chuỗi mua ròng từ phiên 14/12 trước đó. Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu bất động sản NVL với giá trị gần 280 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom mạnh cổ phiếu VND, VHM, SSI, HPG, DGC, giá trị đều trên 150 tỷ đồng tại mỗi mã. Giá trị mua ròng trăm tỷ ghi nhận tại hàng loạt cổ phiếu khác.
Ngược lại, cổ phiếu VNM tuần qua bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, giá trị đạt hơn 400 tỷ đồng. Bộ đôi Vingroup là VIC và VRE cũng bị khối ngoại bán ròng trong tuần này. Đồng thời, các mã khác như MSN, THD, KDH, EIB,... cũng bị bán ròng trong tuần qua.
Vicostone muốn mua lại 4,8 triệu cổ phiếu quỹ: Ngày 14/12 vừa qua, Công ty CP Vicostone (HNX: VCS) công bố nghị quyết HĐQT thông qua nội dung xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án mua lại cổ phiếu của công ty, giảm vốn điều lệ. Thời gian lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản từ ngày 14 - 28/12/2022. Theo đó, tổng số lượng dự kiến mua lại 4,8 triệu cổ phiếu VCS. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến trong quý 1/2023. VCS cho biết việc mua lại cổ phiếu nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư trước diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc quỹ khác, cụ thể ủy quyền cho HĐQT công ty quyết định.
Quỹ ngoại tỷ đô lại nâng sở hữu tại Hóa chất Đức Giang: Mới đây, một nhóm quỹ ngoại đã báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu tại Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã DGC - sàn HoSE). Cụ thể, ngày 14/12, nhóm Dragon Capital bán ròng 89.500 cổ phiếu DGC để giảm sở hữu từ 6,02% về còn 5,995% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 389.500 cổ phiếu; quỹ Amersham Industries Limited bán ra 200.000 cổ phiếu; và CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 500.000 cổ phiếu. Ngày 15/12, nhóm Dragon Capital mua vào 300.000 cổ phiếu DGC để nâng sở hữu từ 5,995% lên 6,07% vốn điều lệ. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund thực hiện mua vào 300.000 cổ phiếu DGC.
Đầu tư LDG muốn rút sạch vốn khỏi công ty con lĩnh vực thuỷ sản: Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) dự kiến sẽ chuyển nhượng toàn bộ 5,3 triệu cổ phiếu CTCP Thủy sản Bình Minh. Mục đích chuyển nhượng là do nhà đầu tư thực hiện bảo lãnh cho cam kết mua lại 1.800 trái phiếu của Bên nhận chuyển nhượng lại trong thời hạn 3,5 tháng, kể từ ngày bên nhận chuyển nhượng lại nhận chuyển nhượng từ các nhà đầu tư trái phiếu hiện tại có yêu cầu mua lại trước hạn. Hiện LDG đang nắm giữ tương 99,9% vốn điều lệ của Thuỷ sản Bình Minh. Giá trị chuyển nhượng không thấp hơn tổng chi phí mà Công ty đầu tư vào CTCP Thủy sản Bình Minh.
Nedi 2 chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%: Ngày 5/1/2023 tới đây Công ty CP Đầu tư và phát triển điện Miền Bắc 2 (Nedi 2 – mã chứng khoán ND2) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền. Tỷ lệ chi trả 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Thời gian thanh toán 16/1/2023. Như vậy với gần 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nedi 2 sẽ chi khoảng 50 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Giống cây trồng Việt Nam tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%: Ngày 28/12 tới đây, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC – sàn HOSE) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2/2021. Theo đó, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 19/1/2023. Tỷ lệ thực hiện là 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.000 đồng. Với 17,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính NSC cần chi 52,5 tỷ đồng. Trước đó, hồi giữa tháng 8/2022, NSC đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 với tỷ lệ 40%. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2021 qua 2 đợt là 70%, bằng kế hoạch đã thông qua tại ĐHCĐ thường niên trước đó.
Nguyên Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|