Cổ phiếu họ FLC đồng loạt tăng, ROS kịch trần về mệnh giá: Trong phiên 15/12, cổ phiếu Tập đoàn FLC và doanh nghiệp liên quan đi ngược dòng chảy thị trường chung cũng như của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, ROS của FLC Faros dư mua giá trần hơn 11 triệu đơn vị, đóng cửa ở 10.050 đồng/cp. Đây là lần đầu tiên ROS vượt lên trên mệnh giá kể từ cuối tháng 1/2020. Vốn hóa của FLC Faros hiện nay đạt trên 5.704 tỷ đồng. Mức giá kỷ lục của cổ phiếu ROS trong lịch sử là hơn 178.000 đồng/cp thiết lập vào tháng 11/2017 (giá đã điều chỉnh cổ tức). Cổ phiếu Tập đoàn FLC tăng 3,2% lên 16.300 đồng/cp, sát với đỉnh ngắn hạn 16.500 đồng/cp của ngày 19/11 năm nay. HAI của Nông Dược HAI và AMD của FLC Stone tăng lần lượt 5,4% và 5,5%, KLF của Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS vọt lên 6,6%, ART của Chứng khoán BOS thêm 0,7%. Trong top 10 thanh khoản sàn HOSE hôm nay, ROS dẫn đầu, FLC đứng ở vị trí thứ 9.
Hơn 21 triệu cp của Dược Danapha chuẩn bị 'chào sàn' UPCoM: Hơn 21 triệu cp DAN của CTCP Dược Danapha sẽ “chào sàn” UPCoM trong thời gian tới, sau khi có được sự đồng ý của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Công ty tiền thân là Xưởng Dược Trung Trung Bộ (mật danh K25), được ra đời vào ngày 01/04/1965 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với mục đích phát triển và sản xuất thuốc phục vụ cán bộ, đồng bào vùng giải phóng. DAN trở thành công ty đại chúng từ ngày 31/07/2007 với vốn điều lệ 33,5 tỷ đồng. Sau 8 lần tăng vốn, vốn điều lệ của Công ty hiện đã tăng lên hơn 211,4 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Bên cạnh đó, Công ty còn tham gia kinh doanh bất động sản, bán hàng hóa và đào tạo cao đẳng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 145 tỷ đồng trong phiên 15/12, VPB là tâm điểm: Khối ngoại giao dịch có phần bớt tiêu cực hơn khi mua vào 27 triệu cổ phiếu, trị giá 1.331 tỷ đồng, trong khi bán ra 37 triệu cổ phiếu, trị giá 1.476 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 9,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 145 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 150 tỷ đồng, giảm 83% so với phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 9,8 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất mã VPB với 344 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là NLG với 51 tỷ đồng. GVR và KBC bị bán ròng lần lượt 31,4 tỷ đồng và 24,7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIC được mua ròng mạnh nhất với 92 tỷ đồng. VHM cũng được mua ròng 68 tỷ đồng.
Cầm cổ phiếu PDR đảm bảo cho khoản vay trái phiếu, Phát Đạt vừa "hút" thêm 150 tỷ đồng: Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa thông qua quyết định huy động vốn qua kênh trái phiếu. Được biết, đây là đợt chào bán thứ 9 trong năm nay, tiếp nối chuỗi huy động liên tục từ năm 2020. Cụ thể, trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, lãi suất cố định 12%/năm. Tổng giá trị huy động là 150 tỷ đồng. Mục đích nhằm tài trợ vốn cho công ty con để thực hiện dự án Trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp Bình Dương (Astral City) và dự án Hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (Khu Cổ Đại, Tp.HCM). Thời điểm chào bán dự kiến trong tháng 12/2021, số tiền huy động sẽ chi thực hiện dự án trong tháng 12 hoặc qua quý 1/2021. Tài sản đảm bảo tiếp tục là cổ phần PDR cùng các tài sản khác.
Em trai Chủ tịch Licogi 13 (LIG) bị xử phạt gần 200 triệu đồng vì mua bán cổ phiếu LIG sai quy định:Ngày 10/12/2021, UBCKNN ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bùi Văn Sinh liên quan đến giao dịch cổ phiếu LIG của CTCP Licogi 13. Theo đó, ông Bùi Văn Sinh là em trai ông Bùi Đình Sơn, Chủ tịch HĐQT Licogi 13 đã đăng ký mua 200.000 cổ phiếu LIG, thời gian giao dịch theo công bố là từ ngày 26/5/2021 đến ngày 31/5/2021. Tuy nhiên, ông Sinh đã thực hiện mua 129.100 cổ phiếu LIG vào ngày 21/5, ngoài thời gian trong công bố và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng không nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Bùi Văn Sinh. Đồng thời, em trai Chủ tịch cũng đã giao dịch bán 129.100 cổ phiếu LIG trong ngày 27/5, tương ứng hành vi bán cổ phiếu trong khoảng thời gian đăng ký mua. Kết luận, ông Bùi Văn Sinh bị phạt tiền 80 triệu đồng do giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin. Bên cạnh đó, ông Sinh tiếp tục bị phạt 80 triệu đồng do không công bố thông tin về kết quả thực hiện giao dịch. Mặt khác, UBCKNN cũng quyết định phạt ông Sinh thêm 30 triệu đồng do người có liên quan của người nội bộ thực hiện đồng thời mua và bán chứng khoán của công ty đại chúng trong thời gian đăng ký giao dịch. Như vậy, tổng số tiền phạt là 190 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2021.
Vi phạm công bố thông tin, MCO bị phạt 100 triệu đồng: Ngày 09/12/2021, Thanh tra UBCKNN có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam (HNX: MCO). Theo đó, MCO bị phạt 100 triệu đồng vì vi phạm quy định công bố thông tin. Cụ thể, Công ty không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu: BCTC riêng năm 2016 được kiểm toán, BCTC bán niên năm 2017 đã được soát xét. Đồng thời, MCO công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của HNX không đúng thời hạn các tài liệu: BCTC riêng quý 1/2017, Báo cáo thường niên 2019, Thông báo ngày đăng ký cuối cùng họp ĐHĐCĐ thường niên 2020…
Tuệ An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|