Tổng mức huy động vốn trên TTCK nửa đầu năm đạt gần 7,7 tỷ USD: Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tương đương gần 7,7 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ. Trong đó: Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%; qua phát hành TPDN ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ tăng 63% lên 141.493 tỷ đồng.
Hơn 80% thị phần môi giới phái sinh tập trung trong tay 4 ông lớn: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách thị phần môi giới chứng khoán phái sinh trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Thứ tự 7 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất trong quý II cũng trùng khớp với thứ tự trong quý I và nửa đầu năm. Cụ thể, Chứng khoán VPS duy trì vị thế dẫn đầu với thị phần trên 54%. Từ năm 2019 đến nay, VPS liên tục là quán quân về môi giới phái sinh. Chứng khoán HSC đứng thứ 2 với 15,8% thị phần. VNDirect và SSI đứng sau với thị phần lần lượt 7% và 5,6%. Tổng cộng 4 công ty chứng khoán lớn nhất này nắm giữ gần 83% thị phần môi giới phái sinh quý II.
Gần 390 triệu cổ phiếu thưởng của Novaland được giao dịch từ 16/7: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo 385,9 triệu cổ phiếu Novaland (HoSE: NVL) sẽ được niêm yết bổ sung vào ngày 12/7, chính thức giao dịch ngày 16/7. Đây là lượng cổ phiếu Novaland phát hành để thưởng cho cổ đông hiện hữu từ vốn chủ sở hữu. Số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết của doanh nghiệp tăng lên 1,47 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ tăng 35,68%.
Cổ phiếu bán lẻ bứt tốc trong tuần thị trường đỏ lửa, MWG và DGW cùng lên đỉnh mới: Trong tuần từ 5/7 đến 9/7, VN-Index giảm hơn 5% còn 1.347 điểm, chấm dứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Theo thống kê của Algo Platform, bán lẻ là ngành duy nhất nâng đỡ chỉ số tuần qua. Cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index trong tuần là MWG của Thế Giới Di Động. Đây cũng là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và giá tăng mạnh nhất ngành bán lẻ. Kết phiên 9/7, giá MWG dừng ở đỉnh lịch sử 176.500 đồng/cp với tổng giá trị niêm yết xấp xỉ 84.000 tỷ. Trong phiên, khối ngoại đã trao tay 2,247 triệu đơn vị MWG ở mức giá trần 184.500 đồng/cp, tổng trị giá gần 415 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bán lẻ khác cũng diễn biến khả quan như DGW của Công ty cổ phần Thế Giới Số, FRT của FPT Retail hay HTM của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Cả DGW và FRT đều nằm trong nhóm 15 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index. Giá DGW hiện đang ở kỷ lục 144.900 đồng/cp, tương ứng vốn hóa hơn 6.400 tỷ.
Gạch Đồng Tâm của 'Bầu Thắng' bất ngờ ôm lỗ trong quý đầu năm: Trong 5 năm trở lại đây, CTCP Đồng Tâm đều duy trì mức lãi trên dưới 200 tỷ đồng. Ấy thế mà ngay trong quý đầu năm 2021, Công ty bất ngờ ôm lỗ ròng gần 100 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý 1/2021 của Đồng Tâm, doanh thu thuần giảm đến 86%, còn hơn 269 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán được Công ty ghi nhận ở mức gần 223 đồng, chiếm 83% doanh thu thuần. Kết quả, lợi nhuận gộp của Công ty giảm 92%, còn gần 47 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 32% xuống còn 17%. Doanh thu giảm mạnh hơn chi phí là nguyên nhân tất yếu dẫn đến Công ty lỗ ròng hơn 98 tỷ đồng trong quý đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng hơn 114 tỷ đồng.
Nhóm Thaco rút khỏi Hùng Vương: Ngày 2/7, Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty đã đồng loạt bán sạch hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương. Trước đó, công ty Trân Oanh và ông Trần Bá Dương nắm lần lượt 3,79% và 4,96% vốn tại công ty thủy sản này. Phiên 2/7 của cổ phiếu HVG ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận trùng khớp với tổng số cổ phiếu cá nhân và đơn vị này thoái vốn với tổng giá trị thương vụ hơn 45,7 tỷ đồng. Giá HVG hôm 2/7 cũng tăng trần lên 3.100 đồng/cp sau 4 phiên liên tiếp không có giao dịch. Vào đầu tháng 4, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Ủy viên Hội đồng quản trị cũng đã bán bớt 36,62 triệu HVG trong tổng số hơn 38,62 triệu đơn vị (tỷ lệ 17,01%) đang sở hữu để cơ cấu lại tài chính cá nhân. Như vậy ông Thịnh chỉ sở hữu 0,88% vốn tại Hùng Vương và không còn là cổ đông lớn tại đây sau khoảng 5 tháng đầu tư.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trở thành cổ đông lớn của Hà Đô: CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC - Mã: VCI) vừa cho biết đã mua thêm gần 9,36 triệu cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô nhằm gia tăng tỷ lệ nắm giữ trong phiên 5/7. Sau giao dịch, Chứng khoán Bản Việt nâng lượng cổ phiếu HDG nắm giữ từ hơn 2 triệu lên 11,36 triệu đơn vị, tương đương 6,95% vốn tại Hà Đô, qua đó trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp bất động sản này. Trên thị trường chứng khoán, tâm lý bán tháo ở sàn HOSE những phiên gần đây dường như không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng đi lên của cổ phiếu HDG. Thị giá mã này vừa trải qua nhịp tăng gần 6% trong một tuần, biến động ngược chiều với đà lao dốc 5,15% của VN-Index. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên 5/7, ước tính Chứng khoán Bản Việt đã chi hơn 400 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu trên.
Khối ngoại mua ròng hơn 2.500 tỷ đồng trong tuần VN-Index điều chỉnh mạnh: Thị trường điều chỉnh khá mạnh trong tuần từ 5-9/7. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm, tương ứng giảm 73,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) xuốn 306,73 điểm. UPCoM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm. Điểm tích cực của tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại nhưng khác với tuần trước đó, dòng vốn này chủ yếu mua ròng thông qua khớp lệnh. Cụ thể, tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 259 triệu cổ phiếu, trị giá 12.600 tỷ đồng, trong khi bán ra 196 triệu cổ phiếu, trị giá 10.054 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 62,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.545 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh 2.631 tỷ đồng (giảm 20% so với tuần trước đó), tương ứng khối lượng mua ròng là 66,4 triệu cổ phiếu.
PV
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|