Thị trường chứng khoán ngày 11/9/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) GAS và HPG là "công thần" giúp VN-Index có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp; Cổ phiếu DLG tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo; Chủ tịch Ủy ban đầu tư của DIG muốn thoái gần hết vốn;... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 10/9/2023.

GAS và HPG là "công thần" giúp VN-Index có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp: Hai chỉ số thị trường tiếp tục tăng điểm tích cực trong tuần 05-08/09/2023. VN-Index tăng 1,42% so với cuối tuần trước, lên 1.241,48 điểm. Còn với HNX-Index, chỉ số kết thúc tuần với 256,20 điểm, tăng 2,58%. Cùng với đà tăng điểm, thanh khoản trên hai sàn tuần này đều tăng đáng kể với tuần giao dịch trước. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên tăng hơn 19%, lên trên 1,1 tỷ cp/phiên. Còn ở HNX, thanh khoản trung bình tăng 7%, lên gần 117 triệu cp/phiên.

GAS và HPG là hai cổ phiếu kéo tăng chỉ số nhiều nhất tuần qua khi mang về hơn 1,7 điểm mỗi mã. Trong tuần, thị giá cổ phiếu GAS đã tăng 3,65% với thanh khoản bình quân đạt 607.325 cp/phiên, còn cổ phiếu HPG tăng 4,17% về giá trị, khối lượng khớp lệnh bình quân hơn 36 triệu cp/phiên. Xét về số lượng cổ phiếu thì nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là nhóm có ảnh hưởng nhiều nhất đến đà tăng của VN-Index trong tuần qua khi có đến 4 cổ phiếu nằm trong top 10 ảnh hưởng tích cực nhất, gồm VPB, MBB, TCB và OCB. Tổng cộng, 4 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng 3,6 điểm, riêng VPB mang về gần 1,5 điểm cho chỉ số - cao thứ ba cả sàn.

Thị trường chứng khoán ngày 11/9/2023: Thông tin trước giờ mở cửa
Ảnh minh họa

Khối ngoại vẫn là điểm trừ tuần qua: Bất chấp thị trường tiếp đà tăng, giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi tiếp tục bán ròng hơn nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tính chung cả 4 phiên giao dịch t uần 5-8/9, khối ngoại bán ròng 1.251 tỷ đồng , trong đó tập trung bán ròng mạnh trên khớp lệnh. Trên sàn HOSE, tuần xuất hiện giao dịch mua vào mạnh nhất cổ phiếu VPB với giá trị trên 856,4 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thực hiện qua kênh thỏa thuận. Vừa qua, VPBank vừa công bố điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Hiện nay, room ngoại của VPBank đang đạt gần 18%. Top cổ phiếu mua ròng tuần này của khối ngoại còn có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như TPB (122,1 tỷ đồng), MWG (82,8 tỷ đồng), HDB (56 tỷ đồng), BID (40,9 tỷ đồng) và FPT (38,5 tỷ đồng). Chiều bán ròng, HPG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND của ETF VN-Diamond đã dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lần lượt 499,8 tỷ đồng và 423,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu DLG tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo: Ngày 7/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có thông báo giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu DLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai theo Quyết định số 160/QĐ-SGDHCM ngày 6/4/2023. Lý do vì tổ chức kiểm toán có kết luận ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 của tổ chức niêm yết, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 37 theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2012 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Ngoài ra, HOSE cũng giữ nguyên diện cảnh báo đổi với cổ phiếu DLG theo Quyết định số 231/QĐ-SGDHCM ngày 14/4/2023 vì lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2023 là âm 2.042,18 tỷ đồng, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 37 theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2012 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Chủ tịch Ủy ban đầu tư của DIG muốn thoái gần hết vốn: Trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng 100% từ đầu năm tới nay, ông Hoàng Văn Tăng - Chủ tịch Ủy ban đầu tư của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) đăng ký bán 940 nghìn cổ phiếu DIG. Theo cáo cáo, ông Tăng đăng ký bán 940 nghìn cổ phiếu DIG theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trong thời gian từ 13/09-12/10/2023 nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân. Nếu giao dịch thành công, ông Tăng giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,155% (946 nghìn cổ phiếu) xuống còn 0,001% (6 nghìn cổ phiếu) tại DIG. Điểm đáng chú ý là ông Tăng đăng ký bán ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG tăng hơn 100% tính từ đầu năm tới nay, thanh khoản trung bình 20 triệu cp/phiên. Tạm tính theo giá đóng cửa ngày 08/09 đạt 29.400 đồng/cp, dự kiến ông Tăng thu về hơn 27 tỷ đồng.

Hai cổ đông lớn sang tay cổ phiếu TMT: Theo báo cáo giao dịch của Công ty CP Ô tô TMT (HOSE: TMT), hai cổ đông lớn là ông Lê Tiến Phan và bà Bùi Thị Huế đã giao dịch thỏa thuận tổng cộng 2,88 triệu cổ phiếu TMT từ 30-31/08. Ngày 30/08, ông Lê Tiến Phan - cổ đông lớn của TMT đã bán ra 1,78 triệu cổ phiếu TMT. Chiều ngược lại, bà Bùi Thị Huế đã mua vào với số lượng tương ứng. Tổng giá trị giao dịch khoảng 30,3 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu TMT của ông Phan giảm từ 14,91% xuống còn 10,08%, tương ứng 3,7 triệu cổ phiếu. Về phần bà Huế, tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,42% lên 9,24%, tương ứng 3,4 triệu cổ phiếu, qua đó trở thành cổ đông lớn của TMT. Chưa dừng lại, ngày 31/08, hai cổ đông này có giao dịch với vị thế trái ngược. Bà Huế thực hiện bán 1,1 triệu cổ phiếu TMT, còn chiều mua lại là ông Lê Tiến Phan. Tổng giá trị giao dịch khoảng 18,7 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng hai vị cổ đông lớn này đã giao dịch 2,88 triệu cổ phiếu TMT. Trong đó, ông Phan bán ròng 680 nghìn cổ phiếu, thu ròng 11,6 tỷ đồng. Còn bà Huế cũng mua ròng tương ứng số cổ phiếu này, với số tiền chi ra khoảng 11,6 tỷ đồng.

Cổ đông ngoại Singapore mua thêm 2,5 triệu cổ phiếu KDC: Theo báo cáo giao dịch, Star Pacifica Pte. Ltd - cổ đông lớn của Công ty CP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) vừa mua thêm 2,5 triệu cổ phiếu KDC. Giao dịch thực hiện từ 29-30/08/2023. Mục đích giao dịch nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn này tăng từ 6,2% lên 7,2%, tương ứng nắm giữ gần 18,6 triệu cổ phiếu. Căn cứ giá đóng cửa trung bình trong 2 ngày nói trên là 64.700 đồng/cp, ước tính quỹ này đã chi ra gần 165 tỷ đồng. Một ngày trước đó, quỹ ngoại này cũng đã chi ra khoảng 64 tỷ đồng để mua vào 1 triệu cổ phiếu KDC. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu thuần Kido đạt 4.377 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và còn cách rất xa kế hoạch 15.000 tỷ đồng doanh thu đặt ra cho cả năm. Nhờ khoản thu tài chính hơn nghìn tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế đạt 727 tỷ đồng, đã hoàn thành 80% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 501 tỷ đồng, tăng trưởng 47,7% so với cùng kỳ.

Eximbank chốt ngày trả cổ tức 18% bằng cổ phiếu: Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) ngày 7/9 đã ban hành nghị quyết thông qua ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức 18% bằng cổ phiếu. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là 25/9/2023. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/9/2023. Cụ thể, theo kế hoạch, Eximbank sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ được nâng lên mức 17.569 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Trước đó hồi tháng 2/2023, Eximbank cũng đã hoàn thành việc phát hành thêm 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%.

Hơn 900 triệu cổ phiếu "nhập sàn" tuần tới, tâm điểm tại Vietcombank

Tuần mới từ 11-15/9 sàn giao dịch chứng khoán sẽ rất sôi động khi có thêm lượng lớn cổ phiếu lên sàn, trong đó chiếm ...

Phiên giao dịch ngày 11/9/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Nhận định chứng khoán ngày 11/9: Tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Thị trường có tuần đầu tiên chính thức vượt qua MA100 kể từ đầu năm 2023. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đạt 1.241 điểm, ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục