Thị trường chứng khoán ngày 10/2/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) SHB tăng vọt trong phiên ATC kèm thanh khoản đột biến; Cổ phiếu thép tăng mạnh ba phiên liên tục, vốn hóa Hòa Phát thêm 1 tỷ USD; Vinasun lỗ 8 quý liên tiếp, cổ phiếu VNS đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 10/2/2022.

Cổ phiếu thép tăng mạnh ba phiên liên tục, vốn hóa Hòa Phát thêm 1 tỷ USD: Phiên giao dịch 9/2, nhiều cổ phiếu thép tăng kịch trần từ sáng và duy trì sắc tím cho tới hết buổi chiều, cụ thể như: HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim, POM của Pomina và VIS của Thép Việt Ý. Đại gia đầu ngành HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng 3,8% lên 47.300 đồng/cp, TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam nhảy vọt 8,2%. Trước đó, vào các phiên 7 và 8/2, nhiều cổ phiếu thép cũng đi lên đáng kể. HSG, POM và NKG đã có hai phiên tăng trần liên tiếp. HPG tăng tổng cộng hơn 12% trong ba phiên đầu năm Nhâm Dần, vốn hóa đi lên 22.800 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Giá trị thị trường của Tập đoàn Hòa Phát hiện nay là gần 211.600 tỷ đồng, đứng thứ 4 thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh, SHB tăng vọt trong phiên ATC kèm thanh khoản đột biến: Trong phiên giao dịch 09/2, nhóm ngân hàng đã giảm 0,11% nhưng nhờ lực đỡ từ ngành thép giúp VN-Index giữ được mốc 1.500 điểm. EIB trở thành cổ phiếu nhà băng giảm sâu nhất toàn ngành với tỷ lệ giảm 2,5%. Một số mã cũng chuyển màu từ xanh sang đỏ trong phiên giao dịch hôm nay là STB (tỷ lệ giảm 2,2%), MBB (1,5%), TPB (1,2%), LPB (1,2%)... Theo đó, nhóm ngân hàng có tới 10 đại diện góp mặt vào Top 15 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ tăng tốt như SHB hay BID. Cổ phiếu SHB bứt phá tăng tới 3,9% trong phiên ATC kèm thanh khoản đột biến hơn 29,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, BID đảo chiều sau 4 phiên điều chỉnh, từ mức thấp nhất 47.100 đồng/cp lên 48.400 đồng/cp khi chốt phiên.

Dragon Capital vừa mua 5,7 triệu cổ phiếu KBC: Dragon Capital vừa công bố thông tin nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) thông qua giao dịch của hai quỹ thành viên. Cụ thể, trong phiên 7/2, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã mua 1,21 triệu cổ phiếu KBC trong khi Amersham Industries Limited mua vào 500.000 cp. Theo đó, tổng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital tại Kinh Bắc tăng từ 43,97 triệu cổ phiếu KBC (tỷ lệ sở hữu 7,72%) lên 45,68 triệu cp (8,02%). Tạm tính với mức giá 54.700 đồng/cp chốt phiên 7/2, ước tính Dragon Capital đã chi khoảng 93,5 tỷ đồng để thực hiện thương vụ trên. Trong giao dịch gần đây nhất vào ngày 24/1, Dragon Capital cũng mua 500.000 cổ phiếu KBC và báo cáo số lượng nắm giữ sau giao dịch là 39,97 triệu cp, tương đương 7,02% vốn cổ phần. Như vậy, từ ngày 25/1 đến ngày 7/2, thực tế nhóm quỹ này đã mua 5,71 triệu cổ phiếu KBC. Tuy nhiên, do tỷ lệ sở hữu không vượt quá 1% nên Dragon Capital không có nghĩa vụ phải công bố thông tin.

Khối ngoại mua ròng trở lại 294 tỷ đồng trong phiên 9/2, vẫn bán mạnh VIC: Khối ngoại giao dịch tích cực khi mua vào 55,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.413 tỷ đồng, trong khi bán ra 52,5 triệu cổ phiếu, trị giá 2.119 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 2,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 294 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 213 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là hơn 1,5 triệu cổ phiếu. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 222 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VND với 98 tỷ đồng. GEX và GMD được mua ròng lần lượt 57 tỷ đồng và 52 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 260 tỷ đồng. NVL đứng sau với giá trị bán ròng là 67 tỷ đồng.

Vinasun lỗ 8 quý liên tiếp, cổ phiếu VNS đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc: Công ty Vinasun (HoSE: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với kết quả sụt giảm 66% về doanh thu, cùng với mức lỗ sau thuế gần 90 tỷ đồng, nối liền chuỗi lỗ quý thứ 8 liên tiếp. Cụ thể, Vinasun ghi nhận doanh thu 89 tỷ đồng, giảm 173 tỷ đồng so với cùng kỳ. Doanh thu thấp hơn giá vốn, kéo theo lợi nhuận gộp âm 35,3 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ sau thuế gần 90 tỷ đồng trong quý IV, cùng kỳ lỗ 25,3 tỷ… Với chuỗi lỗ hai năm liên tiếp, nếu tình hình không khả quan trong năm nay, cổ phiếu VNS của doanh nghiệp có thể bị huỷ niêm yết trên sàn HoSE. Hiện giá mã này đang giao dịch quanh vùng giá 11.700 đồng/cp, tăng 21% trong vòng một năm.

Masan Group chi thêm 110 triệu USD để nâng sở hữu Phúc Long lên 51% vốn: Masan Group (HoSE: MSN) cho biết trong tháng 1 đã mua thêm 31% vốn cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần, Phúc Long được định giá 355 triệu USD. Phúc Long được ra đời từ năm 1968 và thành lập công ty vào 2000 với sản phẩm chính là trà và cafe. Phải đến 2012, doanh nghiệp mới chính thức mở rộng vào ngành đồ ăn và thức uống với việc ra mắt cửa hàng Phúc Long tại quận 7, TP HCM. Vào giữa năm 2021, tập đoàn đã chi 15 triệu USD để mua 20% vốn Phúc Long và triển khai mô hình ki-ốt Phúc Long trong cửa hàng VinMart+ (đã đổi tên thành WinMart+). Như vậy, chỉ trong hơn nửa năm, định giá Phúc Long đã tăng từ 75 triệu USD lên 355 triệu USD, gấp 4,7 lần.

Licogi lãi quý IV cao nhất lịch sử hoạt động: Tổng Công ty Licogi (UPCoM: LIC) công bố BCTC hợp nhất quý IV với doanh thu thuần giảm 19% xuống 622,2 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu tài chính tăng đột biến từ 7,7 tỷ lên 115,6 tỷ đồng, phần lớn do gia tăng doanh thu hoạt động tài chính khác (công ty không thuyết mình về khoản này). Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng gần gấp đôi lên hơn 60 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính cũng gấp 3 lần lên gần 90 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí quản lý và chi phí bán hàng giảm lần lượt 3% và 19% xuống 46,3 tỷ và 16,6 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế gấp 7 lần so với cùng kỳ, đạt 90,3 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Tuệ An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán