Thị giá giảm sàn 8 phiên liên tiếp, Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu IDI: Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, tương ứng với 4,39% vốn điều lệ công ty. Trước đó, vị lãnh đạo này chưa sở hữu cổ phiếu IDI. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, trong thời gian từ 14/12 đến 14/1/2022. Động thái mua của ông Hải diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu IDI vừa giảm sàn 8 phiên liên tiếp về 14.350 đồng/cp kết phiên 9/12. Đà giảm này bắt đầu sau tin Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Thuấn đăng ký thoái toàn bộ 5,51% vốn, tương đương 12,5 triệu đơn vị. Ông Thuấn đã bán xong số cổ phiếu trên theo hình thức thỏa thuận trong phiên 3/12, song đà giảm giá của IDI vẫn chưa ngừng. Trước khi ‘rơi tự do”, cổ phiếu IDI đã có chuỗi tăng giá mạnh từ vùng 7.000 đồng/cp lên 25.300 đồng/cp trong hơn một tháng qua.
Công ty Hoàng Hạc và Tập đoàn Tiến Bộ bị phạt do vi phạm quy định công bố thông tin: UBCKNN ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Hoàng Hạc, với mức tiền phạt là 70 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn các tài liệu gồm báo cáo tài chính năm 2019, năm 2020; báo cáo thường niên năm 2019, năm 2020; Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, năm 2021… Bên cạnh đó, UBCKNN cũng xử phạt Tập đoàn Tiến Bộ (HoSE: TTB) với số tiền 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn bo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được cho đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 193,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng; báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã được soát xét; thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Khối ngoại trở lại “gom hàng”, bộ đôi cổ phiếu họ "Vin" được mua mạnh nhất: Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua vào 35 triệu cổ phiếu, trị giá 1.358 tỷ đồng, trong khi bán ra 27,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.002 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng 7,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 357 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 350 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 7,4 triệu cổ phiếu. Khối ngoại mua ròng mạnh bộ đôi cổ phiếu họ "Vin" là VIC và VHM với giá trị lần lượt 92 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. CTG đứng thứ 3 trong danh sách mua ròng với 59 tỷ đồng. Một cổ phiếu họ "Vin" khác cũng được mua ròng mạnh là VRE với 47 tỷ đồng. Trong khi đó, TCH bị bán ròng mạnh nhất với 61 tỷ đồng. VPB và HPG bị bán ròng lần lượt 54 tỷ đồng và 43 tỷ đồng.
Vinachem bán đấu giá hơn 21 triệu cổ phiếu LAS, giá khởi điểm 27.100 đồng/cp: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo tổ chức án đấu giá cổ phần Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) thuộc sở hữu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vào ngày 31/12. Vinachem sẽ bán 21,23 triệu cổ phiếu LAS với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp. Tập đoàn Hóa chất hiện sở hữu 78,79 triệu cổ phiếu LAS, tương đương 69,82% vốn điều lệ. Nếu bán thành công 21,2 triệu cổ phiếu, tương đương 18,82% vốn, Vinachem sẽ giảm nắm giữ xuống 51%. Cổ phiếu LAS hiện giao dịch vùng giá 23.400 đồng/cp, gần như đi ngang trong 2 tháng qua và gấp đôi vùng giá tháng 6.
Kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Vietravel (VTR): CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) vừa công bố BCTC bán niên năm 2021 sau nhiều lần lỗi hẹn. Ban lãnh đạo Vietravel lý giải, do dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp khiến doanh thu thuần của công ty sụt giảm nghiêm trọng từ 917,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 còn 545,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm nay. Đồng thời, giá vốn bán hàng tăng khiến lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay âm hơn 293,3 tỷ đồng. Trong mục “Vấn đề nhấn mạnh”, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C muốn lưu ý người đọc Báo cáo tài chính đến thuyết minh số VII.3 trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ về khả năng hoạt động liên tục của Vietravel. Theo đó, kỳ kế toán 6 tháng đầu năm nay, công ty lỗ hơn 293 tỷ đồng và số lỗ luỹ kế đến cuối tháng 6/2021 là 326 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu 118,3 tỷ đồng. Đồng thời, nợ ngắn hạn của Vietravel vượt hơn tài sản ngắn hạn là 456,7 tỷ đồng. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Vinaconex bán sạch cổ phiếu quỹ, thu gần 150 tỷ đồng: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) vừa thông báo đã bán hết 3.085.019 cổ phiếu quỹ như đã đăng ký trước đó. Thời gian giao dịch từ 15/11 đến 30/11 thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận tại HOSE. Giá bán bình quân là 47.101 đồng/cp, tức là Vinaconex đã thu về khoảng 147 tỷ đồng. Khoảng một năm trước, trong giai đoạn từ 16/11 đến 2/12/2020, Vinanconex đã mua vào 39,3 triệu cổ phiếu quỹ. Tổng giá trị giao dịch là 1.644 tỷ đồng, tương ứng với giá bình quân 41.835 đồng/cp. Ngày 30/8/2021, Vinaconex dùng 36,2 triệu cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông. Số cổ phiếu quỹ VCG còn lại được bán ra như nói ở trên.
HAG về mệnh giá sau 5 năm chờ đợi đằng đẵng: Cổ phiếu của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã vượt 10.000 đồng/cp trong phiên 09/12/2021 (kết phiên ở mức 10.200 đồng/cp). Như vậy, HAG đã chính thức quay lại mệnh giá 10.000 đồng - cột mốc mà cổ phiếu này đã đánh mất từ 23/03/2017, tức gần 5 năm trước. Nhìn lại quá khứ, sau khi đánh mất mốc 10.000 đồng/cp vào tháng 3/2017, HAG từng có đợt tăng giá vào tháng 8/2017 song về mệnh bất thành. Cũng từ đây, HAG đã phải xếp vào diện penny như những mã thị giá thấp khác, thậm chí giá cổ phiếu có lúc rơi xuống tận 2.550 đồng/cp (30/03/2020) - thời điểm thị trường lao dốc do đợt sóng Covid-19 lần đầu tiên. Đà tăng ấn tượng xảy đến từ cuối tháng 10/2021. HAG liên tục có những phiên tăng điểm dựng đứng. Thị giá leo dốc gấp đôi từ mức 5.000 đồng/cp lên trên 10.000 đồng/cp một cách nhanh chóng (chưa đầy 2 tháng).
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|