Thị trường chứng khoán sôi động hơn
Từ đầu tháng 5 tới nay, chỉ số chính thị trường VN-Index đã tăng khá mạnh. Tính đến hết ngày 19/6/2023 (1.105,4 điểm), VN-Index đã tăng +64,79 điểm, tương đương với khoảng +6% so với đầu tháng 5/2023 (ngày 4/5/2023: 1.040,61 điểm). Cũng tính đến ngày 19/6, chỉ số VN-Index đã tăng gần 10% kể từ đầu năm và tăng 17% từ đáy của năm 2022. Đáng chú ý hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang có diễn biến tốt nhất trong số các thị trường châu Á từ đầu năm đến nay.
Không chỉ có điểm số, thị trường chứng khoán trong nước đã trở nên sôi động hơn rất nhiều với mức thanh khoản tăng dần. Trong hai tuần cuối tháng 5, thanh khoản trên HOSE đã tăng 32% so với mức trung bình của quý I. Từ đầu tháng 6 tới nay, thị trường xuất hiện nhiều hơn các phiên có thanh khoản trên 20 nghìn đồng/phiên, đặc biệt là phiên vượt "tỷ đô" ngày 8/6, đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Không chỉ có điểm số, thị trường chứng khoán trong nước đã trở nên sôi động hơn rất nhiều với mức thanh khoản tăng dần |
Lý giải về điều này, SSI Research cho rằng, trong bối cảnh khối ngoại đang bán ròng, thanh khoản hồi phục cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán đang tăng dần lên. "Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng đáng kể từ sự suy yếu của nhiều nền kinh tế lớn và việc hỗ trợ hồi phục kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa từ Chính phủ cần thời gian đủ dài để thẩm thấu, thị trường chứng khoán Việt Nam đang sôi động hơn nhờ động lực từ dòng tiền cá nhân trong nước trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang đi xuống" - Chuyên gia của SSI Research cho hay.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, sự dịch chuyển của dòng tiền nội là hệ quả của những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ. "Những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã tạo ra kỳ vọng tích cực của giới đầu tư vào sự hồi phục chung của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong thời gian tới" - ông Ngọc nói.
Còn theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), xu hướng lãi suất giảm đã hình thành khá rõ nét. Sau các đợt giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 8%. Vì vậy, dòng tiền cho xu hướng tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư có hiệu suất tốt hơn như chứng khoán. Tuy nhiên, theo bà Khánh Hiền, để nhận định về độ bền của dòng tiền thì cần thêm thời gian kiểm nghiệm, trước mắt là phải vượt qua tháng 6 nhằm "test" khả năng trả nợ trái phiếu riêng lẻ khi vào đỉnh đáo hạn.
Kỳ vọng chính sách vĩ mô tiếp tục "dẫn dắt"
Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và châu Âu, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
"Cùng với đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất điều hành, đề xuất giảm thuế VAT, gia hạn nộp thuế, miễn giảm, thuế, phí… cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước" - đại diện lãnh đạo UBCKNN thông tin thêm.
Cũng theo đại diện UBCKNN, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. "Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong quý III và quý IV/2023" - lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, nhìn về trung và dài hạn, hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang ở cuối một chu kỳ tăng trưởng, nhiều yếu tố tiêu cực đã được phản ánh sớm vào thị trường chứng khoán. Sắp tới, trong cuối quý II/2023 có thể có một số dữ liệu không thực sự tích cực của nền kinh tế có thể được công bố - đây có thể là một vùng trũng trước một giai đoạn hồi phục và tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam trong 3 - 5 năm tiếp theo.
Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta kỳ vọng vào những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế và triển vọng thị trường có thể có diễn biến tích cực hơn giai đoạn nửa đầu năm.
Về cổ phiếu có thể lưu ý tới những nhóm ngành như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng (ngành hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công), ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ (ngành hồi phục theo chu kỳ kinh tế), năng lượng, công nghệ, thực phẩm (ngành có tính ổn định cao)…
Với bà Bà Trần Thị Khánh Hiền: "Tôi lạc quan hơn về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023. Hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cũng như các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu đến thị trường chứng khoán trong nửa cuối 2023.
Bức tranh kết quả kinh doanh kém hiệu quả trong quý I/2023 đã phản ánh hầu hết vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây. Nhìn chung lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ tìm lại đà tăng trưởng dương từ quý III/2023 trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, xu hướng lãi suất hạ nhiệt rõ nét sẽ giúp cho thị trường chứng khoán dần trở thành một kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời hấp dẫn hơn".
Nhận định chứng khoán ngày 20/6: VN-Index điều chỉnh về vùng 1.095 trước khi hồi phục trở lại Áp lực điều chỉnh ngắn hạn được ghi nhận xuyên suốt phiên hôm nay khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ và thoái lui về sát ... |
Chuyên gia SSI Research: Chính sách của Chính phủ sẽ còn tác động tích cực lên TTCK Với các yếu tố tác động chưa đồng thuận, các chuyên gia SSI Research dự báo thị trường chứng khoán sẽ còn biến động ở ... |
Nhật Hải
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|