Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn

(Banker.vn) Chưa xác định mục tiêu huy động vốn trên thị trường, khó khăn kinh tế vĩ mô, ngại chia sẻ quyền lực, áp lực lớn khi phải công khai, minh bạch thông tin là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp đứng ngoài sàn chứng khoán được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phân tích trong các bài viết trước. Bên cạnh đó, sự trồi sụt thất thường, biến động tăng – giảm quá lớn của chỉ số chứng khoán cũng khiến các DN ngần ngại lên sàn niêm yết.

Thị trường biến động nhanh, khó lường

Trong vòng 3 năm trở lại đây thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những cung bậc cảm xúc tột bậc. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu sự ổn định bởi chỉ số VN-Index biến động quá mạnh.

Khởi đầu năm 2020 khi dịch Covid 19 bùng phát, VN-Index đã có nhịp giảm sâu từ 1.000 điểm và tạo đáy quanh tại vùng 650 điểm tương ứng giảm 35%.

Sang năm 2021, thị trường bất ngờ tăng mạnh lên 1.500 điểm nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng cả trong và ngoài nước, tương ứng tăng 130%.

Tuy nhiên, chỉ tới cuối năm 2022, Vn-Index lại đột ngột giảm sâu, có thời điểm chạm tới vùng dưới 900 điểm tương ứng giảm 40%.

Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam biến động quá mạnh

Nếu nhìn ra các thị trường chứng khoán trên thế giới có thể thấy, Việt Nam là thị trường biến động lớn nhất.

Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Mỹ, mức độ biến động của chỉ số DonwJones trong năm 2022 chỉ hơn 20%. Hay tại Nga, quốc gia đang trong cuộc chiến với Ukraine, chỉ số chứng khoán tuy có giảm mạnh trong thời điểm cuộc chiến bùng nổ, tuy nhiên tính tới hiện tại thị trường chung cũng không biến động quá nhiều.

Như vậy, có thể thấy rằng so với các nước trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tương đối mạnh. Mặc dù không trực tiếp chịu tác động của các sự kiện “thiên nga đen” , tuy nhiên Vn-Index được đánh giá là thiếu ổn định khi giao động từ từ 40% - 130% chỉ trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.

Trong quãng thời gian 2020 – 2021, Vn-Index đã tạo ra cơn sóng thần khi tăng từ vùng đáy 650 lên quanh vùng 1500, mức tăng hơn 130%. Cơn sóng này đã giúp nhiều NĐT đổi đời với những cổ phiếu tăng cả chục lần trong 1 năm, điển hình như VND, DIG, CEO,..

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, “ngài thị trường” đã đòi lại tất cả từ nhà đầu tư. Sau khi tạo đỉnh tại quanh vùng 1.520, Vn-Index bất ngờ giảm tới hơn 40% và tạo đáy quanh vùng 880 vào tháng 11/2022. Cơn sóng giảm của thị trường đã cuốn phăng đi thành quả trong năm 2021 cũng như tài sản của không ít nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi tình cảnh tài sản đội nón ra đi khi nhiều cổ phiếu giảm tới 90% trong năm 2022.

Không chỉ giai đoạn vừa qua, trong quá khứ Vn-Index cũng có nhiều đợt tăng mạnh, giảm sâu và sau mỗi con sóng đó đã hằn lại những vết thương trong tâm trí nhà đầu tư. Đối với các DN chưa niêm yết, việc thị trường biến động mạnh cũng tạo ra nỗi lo sợ quá lớn về rủi ro trên thị trường.

Lãnh đạo một DN trong lĩnh vực xây lắp (đề nghị dấu tên) chia sẻ với người viết rằng, DN của ông chưa dám ra biển lớn (sàn chứng khoán - NV) cho dù có thể đáp ứng các tiêu chí. Bởi mỗi biến động lớn như vậy trên thị trường có thể khiến những người điều hành doanh nghiệp bị phân tâm, lo lắng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Vì sao thị trường Việt Nam lại biến động mạnh?

Sau mỗi đợt biến động mạnh của chỉ số Vn-Index, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường cận biên với nhiều vấn đề đang tồn tại.

Nhà đầu tư cá nhân chi phối thị trường

Tại thị trường cận biên, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân thường chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, đặc trưng giao dịch của nhóm NĐT này là hành động theo đám đông, kiểm soát tâm lý yếu.

Phần lớn NĐT cá nhân ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán. Họ thường mới tiếp cận thị trường chứng khoán sau mỗi đợt sóng tăng và tham gia đầu tư do sự gợi ý, hô hào của những người thân quen.

Trong giai đoạn 2020-2021, Vn-Index đã tạo ra cơn đại sóng khi tăng từ vùng 650 điểm lên quanh vùng 1500 điểm. Điều này đã thu hút được rất nhiều NĐT F0, minh chứng là số lượng tài khoản tại các CTCK tăng kỷ lục trong giai đoạn đó. Thanh khoản thị trường cũng đạt kỉ lục khi lên tới 50 nghìn tỷ đồng mỗi phiên.

Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn
Tỷ lệ TKGD của nhà đầu tư trong nước tính tới 30/6/2023.

Trước đây, giáo dục về tài chính và đầu tư chứng khoán không được đặc biệt chú trọng trong hệ thống giáo dục. Việc thiếu cơ sở giáo dục và đào tạo chuyên sâu về chứng khoán và các kỹ năng đầu tư có thể làm cho NĐT cá nhân thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Tính tới thời điểm hiện tại, giáo dục về tài chính đã phổ biến hơn. Tuy nhiên chỉ có một số ít trường đại học coi chứng khoán là một ngành nghề để đào tạo bài bản, điều này dẫn tới số lượng NĐT cá nhân có kiến thức chuyên sâu vẫn còn hạn chế.

Mặc dù trên thị trường xuất hiện rất nhiều khóa học online để đào tạo chứng khoán, tuy nhiên chất lượng của những khóa học này lại không thể kiểm định. Khi NĐT thiếu kiến thức, việc thất bại trong quá trình đầu tư chỉ là vấn đề sớm muộn.

NĐT cá nhân ở Việt Nam thường theo trào lưu và đám đông. Họ có xu hướng mua cổ phiếu khi giá tăng cao và bán khi giá giảm, thay vì mua vào khi giá thấp và chờ đợi khi lên cao mới bán. NĐT cá nhân thường đánh giá cổ phiếu theo cảm xúc và chú trọng vào thông tin chung chung hoặc đề cập đến các cổ phiếu “hot”, có câu chuyện, được hiển thị nhiều trên các phương tiện truyền thông, thay vì dựa trên nghiên cứu và phân tích chuyên sâu. Việc lựa chọn cổ phiếu dựa trên tin tức ngắn hạn hoặc phong cách đầu tư ngẫu nhiên thay vì dựa trên phân tích cơ bản và kỹ thuật cũng là điều khá phổ biến đối với NĐT cá nhân tại Việt Nam. Chính vì vậy, NĐT thường bị cuốn vào những cổ phiếu hô hào và đây là nguyên nhân chính tạo ra tính đầu cơ rất cao của thị trường chứng khoán Việt Nam.

NĐT cá nhân thường có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng và không có kế hoạch đầu tư dài hạn. Họ thường bị ảnh hưởng bởi các biến động ngắn hạn trên thị trường và không kiên nhẫn để nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài, dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm và không ổn định trong đầu tư. thường mong đợi lợi nhuận nhanh chóng và bị ảnh hưởng bởi các biến động ngắn hạn trên thị trường. Ở một khía cạnh khác, đa số các doanh nghiệp đều lựa chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt, đây cũng là một tác nhân dẫn tới tính thiếu kiên nhẫn của NDT.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu sự ổn định và bền vững. Theo quan điểm của ông, một thị trường ổn định và bền vững không có sự dao động mạnh quá mạnh. Sự bất ổn của thị trường cùng với những áp lực về hoạt động kinh doanh chính là rào cản với các doanh nghiệp khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thị trường mới chỉ là sân chơi của doanh nghiệp “quốc nội”

Thị trường chứng khoán cận biên thường chỉ phục vụ cho các công ty và nhà đầu tư trong khu vực của quốc gia đó. Mặc dù Việt Nam cho phép doanh nghiệp nước ngoài được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên số lượng này vẫn còn hạn chế. Tính tới năm 2023, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp FDI hiện đang niêm yết sàn chứng khoán Việt Nam, điển hình như Công ty CP Everpia (HOSE: EVE) Công ty CP Mirae ( HOSE: KMR )... Tuy nhiên thanh khoản của những cổ phiếu này lại tương đối thấp.

Hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng khá hạn chế. Nhà đầu tư quốc tế tham gia thị trường chứng khoán chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư như Dragon Capital, Mekong Capital, International Finance Corporation,...

So sánh với thị trường chứng khoán phát triển như Nhật Bản, Mỹ,... thì đây là một sự khác biệt quá lớn. Tại thị trường chứng khoán phát triển, hoạt động niêm yết của các doanh nghiệp quốc tế trở nên dễ dàng và nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia rất nhiều. Thị trường chứng khoán Mỹ chính là một ví dụ điển hình bởi VINGROUP, một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam cũng muốn được niêm yết trên sàn chứng khoán NEW YORK.

Chính vì lí do lên, hiện tại thị trường Việt Nam chưa thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và không được tích hợp sâu vào mạng lưới chứng khoán toàn cầu.

Sự tập trung dòng tiền vào số ít ngành nghề

Tại thị trường chứng khoán cận biên, các công ty niêm yết thường là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành trọng yếu của quốc gia. Điều này tạo ra một thị trường chứng khoán tập trung, phản ánh sự phát triển và tình hình kinh tế của khu vực của quốc gia đó.

Trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng ngân hàng là ngành chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn nhất. Theo số liệu mới nhất, ngành ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa VN-Inex và gần 50% vốn hóa VN30. Sau ngành ngân hàng, bất động sản là nhóm có vốn hóa lớn thứ hai tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn
Cơ cấu vốn hóa VN-Index cuối năm 2020.

Việc ngân hàng và bất động sản chiếm tỉ trọng lớn sẽ gây ra sự mất căng bằng dòng tiền. Nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn 2 nhóm cổ phiếu này, chính vì vậy các nhóm ngành khác sẽ ít có cơ hội hơn. Thực tế, số lượng cổ phiếu lưu hành của nhóm ngân hàng và bất động sản lớn hơn rất nhiều so với các nhóm ngành khác như bán lẻ, dịch vụ, y tế,...

Ngoài ra, ngân hàng và bất động sản cũng là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Khi một trong 2 nhóm ngành gặp vấn đề, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng, điển hình như năm 2022 vừa qua khi ngành bất động sản gần như đóng băng bởi các vấn đề liên quan tới trái phiếu.

Rủi ro chính sách

Thị trường chứng khoán cận biên thường chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố địa phương và chính trị. Sự ổn định chính trị, biến động tiền tệ, vấn đề an ninh và yếu tố thời tiết có thể gây ra rủi ro cho thị trường này.

Tại Việt Nam, chính trị và an ninh không phải là yếu tố có tác động quá lớn tới thị trường, bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, xã hội luôn giữ được sự ổn định.

Tuy nhiên, biến động của chính sách tiền tệ lại là tác nhân quyết định tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Việt Nam là một đất nước đang phát triển, chính vì vậy độ mở của nền kinh tế tương đối lớn. Khi nền kinh tế có độ mở lớn, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ chịu tác động từ FED hay các nước lớn trên thế giới.

Điều đáng nói ở đây chính là sự thay đổi đột ngột của chính sách tiền tệ tạo ra sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán. Trong năm 2022, trước áp lực biến động của tỷ giá, NHNN tăng lãi suất điều với tần suất liên tục, tạo ra những cú giảm sâu, bất ngờ đối với thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã giảm tới 90% so với ở vùng đỉnh.

Bước sang năm 2023, NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp trong vòng 6 tháng đầu năm. Thị trường cũng đã diễn biến tích cực trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên so với vùng đỉnh thì giá cổ phiếu vẫn thấp hơn khá nhiều.

Thiếu sự phát triển của công nghệ

Do quy mô nhỏ, thị trường chứng khoán cận biên thường không đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Hệ thống giao dịch, thông tin và quy trình quản lý có thể chưa phát triển một cách đầy đủ và hiện đại.

Điều này khá đúng với thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, hệ thống giao dịch được áp dụng trên thị trường chứng khoán mặc dù đang được cải thiện tuy nhiên vẫn còn khá lạc hâu so với các nước trong khu vực. Mặc dù giao dịch T+0 đã được áp dụng tại thị trường các nước láng giềng như Thái Lan, tuy nhiên tại Việt Nam thì T+0 vẫn là một điều khá xa vời.

Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn
Hệ thống KRX được kỳ vọng triển khai trong thời gian tới.

Theo thông tin mới nhất từ HOSE, sắp tới việc áp dụng hệ thống KRX đã sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hệ thống KRX đã được HOSE thông báo triển khai từ hơn 1 thập kỉ trước. Cụ thể, trong báo cáo thường niên năm 2012, HOSE cho hay giai đoạn triển khai hệ thống KRX kéo dài trong khoảng 18 tháng. Thời điểm đó, Sở dự kiến đưa hệ thống mới chính thức hoạt động trong quý I/2015. Như vậy, việc chậm trễ trong công tác triển khai, áp dụng công nghệ cho thấy sự yếu kém của công tác quản lý cũng như vận hành thị trường và sự kém phát triển của công nghệ. Ở một góc nhìn cùng chiều, cho dù KRX được đi vào hoạt động trong năm 2023 thì câu hỏi được đặt ra là hệ thống này có trở nên lỗi thời so với sự phát triển của công nghệ ngày nay, bởi vì hệ thống này đã có từ năm 2012?

Từ những câu chuyện nêu trên, có thể nhận thấy thị trường chứng khoán Việt Nam mang đậm tính chất, đặc điểm của thị trường chứng khoán cận biên: biến động nhiều, rủi ro lớn. Để thu hút DN lên sàn và các nhà đầu tư, điều quan trọng là cần khắc phục các khiếm khuyến của thị trường cận biên, sớm đạt được mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Đón đọc bài 8: Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết

Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn? (Bài 1)

LTS: Các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dư âm của đại dịch Covid-19 và những biến ...

Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” sàn chứng khoán

Hiệu quả của việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn ...

Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá

"Thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao nhiêu năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch và hiện tượng ...

Thách thức đến từ minh bạch hóa thông tin

Để hấp dẫn nhà đầu tư và có thể gọi được vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, ngoài hiệu quả kinh doanh ...

Vì sao nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng chưa mặn mà niêm yết?

Là trung tâm kinh tế năng động nhất miền Trung nhưng hiện tại, số DN tại Đà Nẵng lên sàn chứng khoán còn rất khiêm ...

Ông chủ lo mất quyền kiểm soát khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngoài sàn

Trở thành doanh nghiệp đại chúng, tiến tới niêm yết trên sàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đa dạng hóa cơ cấu cổ ...

Xuân Bách

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán