Thị trường chứng khoán 2025 kỳ vọng có nhiều “hàng tốt”

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 phục hồi tích cực nhưng hoạt động IPO và thoái vốn Nhà nước còn gặp khó. Các rào cản về quy định đấu giá, công bố thông tin và hạn chế room ngoại khiến nhiều thương vụ không đạt kỳ vọng, doanh nghiệp tư nhân ngần ngại niêm yết...

Năm 2024 khép lại với bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục tích cực, song hoạt động niêm yết và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vẫn còn ảm đạm. Theo thống kê từ Deloitte, trong hơn 10 tháng đầu năm, chỉ có một doanh nghiệp thực hiện IPO là Công ty CP Chứng khoán DNSE (DSE).

Thị trường chứng khoán 2025 kỳ vọng có nhiều “hàng tốt”
Ảnh minh họa

Không chỉ các đợt IPO, hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng không sôi động. Từ đầu năm 2024, chỉ có bốn thương vụ thoái vốn diễn ra tại Tập đoàn Vinacontrol, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM và Công ty CP Sorbitol Pháp – Việt (Sofavi). Tuy nhiên, một nửa trong số này không đạt kỳ vọng.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức nhiều phiên đấu giá cổ phần tại các đơn vị khác, nhưng đa phần không thành công do không đủ số lượng nhà đầu tư đăng ký.

Không chỉ tại các đơn vị nhà nước, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định rằng một bộ phận doanh nghiệp tư nhân vẫn ngần ngại lên sàn chứng khoán. Lý do là việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH sang công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quản trị và minh bạch thông tin.

"Doanh nghiệp cũng phải thuê đơn vị bảo lãnh phát hành chứng khoán và chuẩn bị hồ sơ niêm yết, điều này phức tạp, tốn thời gian và chi phí. Chưa kể việc niêm yết còn bị ràng buộc bởi các quy định khắt khe về công bố thông tin, kiểm toán độc lập", ông Huân cho biết.

Ngoài ra, nhiều cổ đông sáng lập vẫn muốn giữ quyền kiểm soát doanh nghiệp và lo ngại việc phát hành cổ phiếu ra công chúng có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông này. Ông Huân nhận định: "Việc phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập có thể tạo điều kiện cho các đợt thâu tóm trên thị trường chứng khoán. Không ít nhà sáng lập đã mất quyền kiểm soát doanh nghiệp theo cách này tại Việt Nam".

Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP nhằm gỡ khó cho quá trình niêm yết mới, đặc biệt tập trung vào việc rút ngắn thủ tục và thời gian xử lý hồ sơ. Theo đó, thời hạn để tổ chức đăng ký niêm yết và đưa chứng khoán vào giao dịch được đề xuất giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư trong việc chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường có tổ chức.

Quá trình xem xét hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch của sở giao dịch chứng khoán cũng sẽ độc lập với việc đăng ký tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), qua đó góp phần rút ngắn đáng kể thời gian niêm yết và đăng ký giao dịch.

Tại một buổi tọa đàm về thị trường chứng khoán, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết hiện nay IPO và niêm yết là hai quy trình tách biệt, dẫn đến khoảng thời gian giữa việc nộp tiền mua cổ phần và niêm yết kéo dài đến ba tháng hoặc hơn. Điều này gây khó khăn cho một số quỹ và nhà đầu tư quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng việc tích hợp IPO và niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ngay sau khi hoàn thành IPO.

Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, ông Lê Thanh Tuấn nhận định phương thức bán cổ phần theo thông lệ quốc tế, như ghi sổ và dựng sổ, hiện chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Ông đề xuất đánh giá nguyên nhân và khuyến nghị cho phép các doanh nghiệp đã niêm yết được mua bán cổ phần theo giá thị trường để giảm thiểu thời gian và không bỏ lỡ cơ hội.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, hạn chế các hành vi lũng đoạn và thao túng giá từng xảy ra trong quá khứ. Ngoài ra, ông khuyến nghị nhanh chóng triển khai hệ thống công nghệ giao dịch KRX để cải thiện khả năng xử lý lệnh và đưa thêm các sản phẩm mới như bán khống, giao dịch T+0, nhằm thu hút nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn cho thị trường.

Xác suất VN-Index vượt kháng cự mạnh không cao, chuyên gia “mách nước” giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua ghi nhận sự phục hồi tích cực, với VN-Index tăng 1,40% và đóng cửa ở mức 1.275,14 ...

Những nhóm cổ phiếu tiềm năng trong 2025 dưới góc nhìn từ VCBS

VCBS dự báo thị trường chứng khoán 2025 đầy triển vọng với VN-Index đạt 1.663 điểm trong kịch bản khả quan. Nâng hạng thị trường, ...

Chứng khoán sáng 30/12: Sắc đỏ chiếm ưu thế, VN-Index giằng co quanh mốc 1.272 điểm

Phiên sáng 30/12, VN-Index giảm 2,34 điểm xuống 1.272, thị trường nghiêng về sắc đỏ với tâm lý thận trọng.

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục