Thị trường chứng khoán 2023: "Những gì xấu nhất đã qua đi"

(Banker.vn) Bất chấp VN-Index trải qua một năm 2022 nhiều giông bão, giới đầu tư vẫn có nhiều kỳ vọng với thị trường chứng khoán trong năm nay. “Những gì xấu nhất đã qua đi”, đó là những gì nhà đầu tư nói với nhau nhiều nhất trên các diễn đàn chứng khoán.

Năm 2022 vừa qua có thể coi là một trong những năm nhiều "sóng gió" nhất trên thị trường chứng khoán. Theo đó, chỉ số VN-Index lao dốc mạnh từ mức đỉnh 1.528,6 thiết lập hồi tháng 4/2022 xuống mức đáy 911,9 điểm vào tháng 11/2022, tương đương mất hơn 40%. Các đợt sụt giảm mạnh này đã khiến hơn 90% cổ phiếu ghi nhận giảm giá, trong đó nhiều mã giảm đến 60-70% giá trị và liên tục xác lập mức đáy mới của năm. Tính chung năm 2022, VN-Index giảm gần 33% và là một trong những chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới.

Tuy nhiên trong những phiên giao dịch đầu năm, đã xuất hiện một số tín hiệu đáng mừng khi thị trường chứng khoán đón một số doanh nghiệp niêm yết mới. Ngoài ra, VN-Index còn được hỗ trợ bởi một số yếu tố khác như định giá của nhiều cổ phiếu đang ở mức rẻ, trong khi triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2023 khả quan hơn; dòng vốn từ khối ngoại hứa hẹn sớm quay trở lại… Dù vậy, giới chuyên gia cũng lưu ý một số yếu tố động lực cho thị trường cũng có thể đồng thời là rủi ro, trở ngại với chỉ số chính.

Thị trường chứng khoán 2023:

Trong số các tân binh chào sàn chứng khoán ngay trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, cái tên nổi bật nhất là Công ty CP VNG, ông lớn ngành công nghệ giao dịch vào ngày 5/1 với mã VNZ. Với giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch là 240.000 đồng/cổ phiếu, VNZ sẽ soán ngôi vương về thị giá, vượt qua cổ phiếu của Công ty CP Bia và Nước giải khát Hạ Long (mã HLB) với thị giá 229.900 đồng; hay VNF với giá 223.000 đồng...

Ngày 6/1 tiếp tục có thêm 4 doanh nghiệp cùng đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch gồm Tập đoàn Green+ (GPC), Công ty CP Cơ khí 120 (CK8), Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng (DLM) và Công ty CP Giao nhận Vận tải Miền Trung (VMT).

Trước đó, từ cuối năm 2022, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSe) cũng đã chấp thuận thủ tục chuyển sàn cho một loạt cổ phiếu đang niêm yết trên sàn Upcom. Đơn cử như Tổng Công ty Khoáng sản TKV (Vimico - mã KSV) niêm yết trên sàn HNX; Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific) niêm yết trên HoSe… Đây có thể xem lại tín hiệu tốt để tạo động lực vực dậy cho thị trường sau những ngày ảm đạm.

Do đó, bất chấp VN-Index trải qua một năm 2022 nhiều giông bão, giới đầu tư vẫn có nhiều kỳ vọng với thị trường chứng khoán trong năm nay. “Những gì xấu nhất đã qua đi”, đó là những gì nhà đầu tư nói với nhau nhiều nhất trên các diễn đàn chứng khoán. Một số chuyên gia lạc quan cho rằng, sau khi trải qua những gì xấu nhất, thị trường chứng khoán sẽ bước vào giai đoạn mới tích cực hơn và nhiều triển vọng hơn.

Những kỳ vọng này có cơ sở khi nhìn vào CPI Mỹ tháng 11/2022 tăng 0,1% so với tháng trước và 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Trong bối cảnh đó, chính sách tăng lãi suất của Fed đã bớt khốc liệt hơn để giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, giảm tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Chưa kể, một yếu tố trợ lực khác là Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Zero-COVID. Điều này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn.

Trong nước, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP được kỳ vọng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phát hành trái phiếu, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như giảm áp lực trái phiếu đáo hạn trong vòng hai năm tới. Theo đánh giá từ Công ty CP chứng khoán Tiên Phong, dự thảo này giúp giảm rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu vốn là điều quan tâm bậc nhất của thị trường hiện nay.

Một trợ lực khác của thị trường chứng khoán

Một trợ lực khác với chỉ số chứng khoán là dòng vốn từ khối ngoại, đặc biệt là làn sóng ETF. Thống kê cho thấy, lượng tiền huy động trong đợt tăng vốn lần 4 của Fubon FTSE Vietnam ETF - quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 14/12/2022, mới chỉ đạt 2,1 tỷ TWD, đồng nghĩa với dư địa còn gần 3 tỷ TWD để đạt mục tiêu 5 tỷ TWD. Do đó, trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ đón nhận dòng vốn giải ngân từ quỹ này.

Dù vậy, giới chuyên gia cũng lưu ý các yếu tố động lực cho thị trường cũng có thể đồng thời là rủi ro, trở ngại với chỉ số chính. Ông Hồ Tuấn Hiếu - Đại diện Stockline phân tích, đơn cử với câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, nếu không sớm xử lý dứt điểm theo một hướng quyết liệt nào đó, thì khó khăn thanh khoản từ ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn còn khả năng xảy ra lần nữa trong năm 2023.

Hoặc đối với kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” trong năm 2023 của giới đầu tư. Trong biên bản cuộc họp tháng 12 vừa qua, Fed đã nhấn mạnh việc nới lỏng các điều kiện tài chính khi chưa phải thời điểm hợp lý, đặc biệt là khi công chúng nhận thức chưa đúng về phản ứng của cơ quan này với nền kinh tế, sẽ càng làm phức tạp hơn những nỗ lực để ổn định giá cả. Do đó có thể thấy năm 2023 chưa phải thời điểm để lạc quan với khả năng nới lỏng chính sách của Fed.

Hay, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Chứng khoán KIS Việt Nam cảnh báo, có thể gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu khiến cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ và EU khó khăn hơn qua đó tác động đến quyết định của Fed và ECB. Trước các kịch bản có phần tiêu cực này, các chuyên gia chứng khoán kiến nghị Việt Nam cần tập trung giải quyết các nút thắt nội tại để vực dậy thị trường vốn, vì những yếu tố động lực từ kinh tế thế giới là khá mong manh và ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục