Thị trường bán lẻ: Doanh số ‘khủng’, doanh nghiệp đua nhau mở cửa hàng mới

(Banker.vn) Bức tranh trên thị trường bán lẻ đang khá sáng màu khi các doanh nghiệp đồng loạt tuyên bố lãi “khủng” và có nhiều kế hoạch mở cửa hàng mới.
Tiếp tục đón nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam khởi sắc Các ‘đại gia’ nước ngoài liên tục mở cửa hàng mới, doanh nghiệp bán lẻ nội không đứng ngoài ‘cuộc chơi’

Doanh nghiệp lãi “khủng”

Là một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, kết quả kinh 6 tháng đầu năm 2024 của Central Retail tại thị trường Việt Nam ghi nhận doanh thu 132,4 tỷ bath, tương đương khoảng 96.900 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 5,3 tỷ baht, tương đương gần 4.000 tỷ đồng.

Hiện nay Cetral Retail đang sở hữu hệ thống bán lẻ rộng khắp với Central Food Hall, Tops Market, Go!, Mini Go!, Nguyễn Kim, Lan Chi mart…

Thị trường bán lẻ: Doanh số ‘khủng’, doanh nghiệp đua nhau mở cửa hàng mới
Thị trường bán lẻ rất sôi động thời gian qua (Ảnh: Cấn Dũng)

Một hệ thống bán lẻ nước ngoài khác đang hoạt động khá tốt tại Việt Nam là AEON. Theo báo cáo tài chính quý I (1/3-31/5) vừa được công bố, nhà bán lẻ AEON đến từ Nhật Bản ghi nhận doanh thu hoạt động tại thị trường Việt Nam đạt hơn 4 tỷ yên Nhật, tương đương hơn 640 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản này thu khoảng 7 tỷ đồng tại Việt Nam.

Aeon hiện có 6 trung tâm thương mại được mở ở Việt Nam, gồm Tân Phú Celadon và Bình Tân ở TP.HCM, Hà Đông và Long Biên ở Hà Nội, Hải Phòng Lê Chân ở Hải Phòng, và Bình Dương Canary ở Bình Dương với tổng diện tích cho thuê là 411.000 m2.

Dự kiến nửa cuối năm 2024, AEON sẽ vận hành một trung tâm thương mại tại Huế với tổng diện tích mặt bằng là 86.000 m2. Với tổng mức đầu tư khoảng 169,67 triệu USD.

Ngoài ra, thời gian tới cũng sẽ có thêm các trung tâm thương mại mang tên AEON tại Đồng Nai, TP. Cần Thơ.

Tiếp quản WinCommerce năm 2019 từ Vingroup, Masan nhận hoài nghi về việc "bao giờ có lãi". Ra đời từ 2014, VinCommerce (tiền thân của WinCommerce) là một trong những chuỗi cửa hàng có quy mô lớn nhất cả nước, liên tục tăng trưởng doanh thu nhưng chưa bao giờ đạt điểm hòa vốn. "Làm sao để kinh doanh hiệu quả từ một mảng thua lỗ?" là bài toán khó cần giải của Masan.

Nhưng sau 5 năm, bài toán trên đã có đáp số. Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy chuỗi WinCommerce với các cửa hàng WinMart, WinMart+, WiN lần đầu ghi nhận lãi ròng. Sau hơn 10 năm có mặt trên thương trường, những chiến lược hiệu quả đã giúp chuỗi cửa hàng bán lẻ tiêu dùng lớn nhất Việt Nam có lãi.

Một chuỗi bán lẻ đặc thù khác là Thế giới di động – “ông lớn” trong ngành bán lẻ điện tử. 7 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 61% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Theo kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024 được công bố từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động, chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và Thế giới di động đóng góp doanh thu chủ lực. Cụ thể, chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp nhiều nhất với 46,2% tổng doanh thu. Vị trí thứ hai thuộc về chuỗi Bách Hóa Xanh với 30,1%, chuỗi Thế giới di động đóng góp 20,9%, còn lại các mảng kinh doanh khác đóng góp 2,8%.

Bách Hoá Xanh cũng có kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trong thời gian qua khi lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt 19.400 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6, chuỗi bán lẻ này thu về 3.600 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 5% so với tháng 5 liền trước với đà tăng từ cả hai ngành hàng chính gồm hàng tươi sống và FMCGs. Đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, doanh thu bình quân của Bách Hóa Xanh thiết lập ngưỡng kỷ lục 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Nhiều cửa hàng mới sắp ra mắt

Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).

Tín hiệu lạc quan trên thị trường bán lẻ giúp cho các doanh nghiệp có động lực để mở rộng các kênh phân phối bán lẻ mới. Mới đây, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SATRA) cho biết đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa trung tâm thương mại SATRA đường Võ Văn Kiệt (Centre Mall đường Võ Văn Kiệt) sớm đi vào hoạt động. Theo SATRA, đây là trung tâm thương mại thứ ba, cũng là trung tâm lớn nhất của doanh nghiệp này sau Centre Mall đường Phạm Hùng và Centre Mall Củ Chi.

Thông tin cụ thể về dự án này, bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc SATRA, cho biết, trung tâm thương mại SATRA Võ Văn Kiệt có diện tích sàn xây dựng gần 30.000m2, với quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, là dự án trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ của SATRA. Đây là một trung tâm mua sắm phức hợp với nhiều tiện ích hoàn hảo dành cho gia đình như siêu thị tự chọn Satramart, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi thiếu nhi, trung tâm giáo dục, trung tâm tiêm chủng, các cửa hàng mua sắm…

Cuối tháng 7 vừa qua, Vincom chính thức khai trương thêm hai trung tâm thương mại mới: Vincom Mega Mall Grand Park tại TP Hồ Chí Minh và Vincom Plaza Bắc Giang tại TP Bắc Giang.

Trước đó, Vincom cũng ra mắt Vincom Điện Biên Phủ và Vincom Hà Giang. Với việc ra mắt liên tiếp 4 trung tâm thương mại mới chỉ trong vòng 30 ngày, Vincom Retail đã nâng tổng quy mô toàn hệ thống lên 87 trung tâm thương mại tại 47 tỉnh thành, khẳng định vị trí hàng đầu tại thị trường với những trải nghiệm mua sắm, ẩm thực và giải trí độc đáo cho khách hàng.

Theo Công ty Savills Việt Nam, cho biết, tại mỗi thị trường như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê luôn duy trì công suất hoạt động trên 90% trong nhiều năm qua, chứng tỏ mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn đang giữ sức hút.

Công ty Savills Việt Nam thông tin, hiện nay, mảng đầu tư vào trung tâm thương mại quy mô lớn đang thu hút sự quan tâm, nguồn lực của nhiều gương mặt trong và ngoài nước. Đối với các chủ đầu tư trong nước, thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết về người tiêu dùng cũng như quỹ đất hiện có của chủ đầu tư đó. Ngược lại, về phía chủ đầu tư nước ngoài, họ cũng có những điểm mạnh và chiến lược riêng như Aeon, Central Retail, là những đơn vị đầu tư bán lẻ lâu năm và có tiếng trong thị trường khu vực, khi vào thị trường Việt Nam, họ vẫn giữ thế mạnh đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, dù với hình thức nào, doanh nghiệp bán lẻ cũng cần sản phẩm chất lượng, dịch vụ hậu mãi tốt. Kinh nghiệm từ các nhà bán lẻ lớn cho thấy, họ đầu tư mạnh vào dịch vụ chăm sóc khách hàng, tích hợp nhiều tiện ích như ăn uống, vui chơi, xem phim… kèm với mua hàng. Đây là lý do giúp các kênh bán lẻ trụ vững và chinh phục tốt người tiêu dùng Việt.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục