Thi hành Luật Đấu thầu: Doanh nghiệp mong muốn gì?

(Banker.vn) Sau khi lấy ý kiến doanh nghiệp, VCCI đã góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đối tượng doanh nghiệp nào phải đấu thầu? Làm rõ việc áp dụng Luật Đấu thầu với dự án có vốn Nhà nước từ 30%

Sau khi tổ chức 2 Hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra những góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Với nội dung thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, dự thảo quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân sử dụng thuốc thuộc danh mục quỹ bảo hiểm y tế chi trả sẽ được quỹ chi trả dựa trên 3 căn cứ: Giá trúng thầu tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, trung ương; giá trúng thầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn; giá trúng thầu tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, trung ương hoặc cùng cấp chuyên môn trên địa bàn lân cận hoặc trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh.

Thi hành Luật Đấu thầu: Doanh nghiệp mong muốn gì?

Thi hành Luật Đấu thầu: Doanh nghiệp mong muốn gì? Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo VCCI, các căn cứ nếu ra trong Dự thảo chưa bao quát hết các trường hợp có thể xảy ra trong thực tế. Thực tế, thuốc còn có thể được đấu thầu tập trung quốc gia, tập trung địa phương hoặc đàm phán giá; và giá thuốc trúng thầu sẽ là giá đấu thầu tập trung quốc gia, tập trung địa phương hoặc giá từ kết quả đàm phán giá. Khi không có các loại thuốc từ các hình thức đấu thầu này, các bệnh viện mới chủ động đấu thầu thuốc và có giá trúng thầu làm căn cứ như tại Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm giá trúng thầu từ kết quả mua sắm tập trung quốc gia, tập trung địa phương, đàm phán giá làm căn cứ thanh toán chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân.

Về thông tin uy tín về nhà sản xuất, VCCI cho rằng, nhà sản xuất không phải là một bên trong quá trình đấu thầu và dù đã có cơ chế hợp đồng nhưng đây vẫn chỉ là cơ chế dân sự, trong một số trường hợp, vẫn không tránh khỏi tình trạng nhà phân phối có các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, có thể dẫn đến nhà sản xuất bị đánh giá trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Do vậy, để đảm bảo đánh giá khách quan và công bằng cho nhà sản xuất, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định rõ các hành vi mà nhà sản xuất có trách nhiệm liên quan và sẽ bị đánh giá trong cơ sở dữ liệu nhà thầu; cho phép nhà sản xuất hoặc đại diện của nhà sản xuất được phản hồi/ có ý kiến về đánh giá trước khi được đăng tải lên cơ sở dữ liệu.

Sau khi lấy ý kiến của doanh nghiệp, VCCI cũng phản ánh, nhiều gói thầu có tính chất đặc thù nên cần có yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, chẳng hạn như gói thầu mua thiết bị y tế, nhưng bên mời thầu có tâm lý e ngại khi nêu chi tiết các thông số kỹ thuật, yêu cầu công nghệ vì lo sợ vi phạm nội dung hạn chế cạnh tranh này. Dự thảo cần bổ sung hướng dẫn rõ ràng hơn về điều kiện gây hạn chế cạnh tranh hoặc chỉ ra một số trường hợp điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhưng không bị coi là cạnh tranh không bình đẳng.

Trong văn bản góp ý VCCI cũng đề cập tới nội dung về: Đánh giá, xếp hạng uy tín của nhà thầu, chất lượng hàng hoá sử dụng; xử lý tình huống trong đấu thầu và một số góp ý khác về ưu đãi với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giá gói thầu…

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục