Thi hành án tín dụng ngân hàng: Vẫn ngóng chờ chính sách pháp lý

(Banker.vn) Chỉ 15 ngân hàng đã có 399 vụ việc thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An…
Thu hồi hơn 21.264 tỷ đồng từ thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng Cơ hội nhận lại tiền của 42.000 người bị lừa mua trái phiếu ở Ngân hàng SCB? Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

399 vụ việc thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc

Ngày 23/8, tại Quảng Ninh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”.

Thi hành án tín dụng ngân hàng: Vẫn ngóng chờ chính sách pháp lý
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại toạ đàm

Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hệ lụy của hậu đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân khó khăn, nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng cao.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%. “Trong bối cảnh đó, hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - cho hay, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chiếm không nhiều về vụ việc, tuy nhiên, lại chiếm tỷ lệ lớn về giá trị. Từ trước đến nay, giá trị các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa khi nào dưới 50%, có thời điểm lên đến 60% giá trị các vụ việc mà Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện. “Chúng tôi xác định, đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà Quốc hội, Bộ Tư pháp giao. Việc thu hồi nợ của các tổ chức ngân hàng sẽ đưa nguồn tiền vào thị trường để vận hành, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước” - ông Sơn khẳng định.

Thi hành án tín dụng ngân hàng: Vẫn ngóng chờ chính sách pháp lý
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phát biểu tại toạ đàm

Tuy vậy, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, mặc dù công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhiều nguyên nhân. “Nguyên nhân chủ yếu là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể” - ông Hùng nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng - cho hay, do tác động tiêu cực của kinh tế trong và ngoài nước, nhiều khách hàng gặp khó khăn, số lượng án tín dụng ngân hàng, các bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng do ngân hàng khởi kiện khách hàng nợ xấu và yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp thi hành ngày càng tăng nhanh. “Mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng” - ông Long cho biết.

Qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên, đến nay, có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An... Một số vướng mắc điển hình phát sinh trong thực tế được Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế nêu như: Pháp luật thi hành án chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản là bất động sản mà thực tế xác minh, đo vẽ có sai khác so với Giấy chứng nhận nên các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa phương còn lúng túng trong việc xử lý hoặc có cách xử lý khác nhau, không thống nhất khiến thời gian thi hành án kéo dài.

Hay, lợi dụng quy định chưa chặt chẽ tại Luật Thi hành án (Điều 140), có nhiều trường hợp người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản thi hành án cố tình gửi đơn khiếu nại liên tục nhưng không có căn cứ, để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định tạm ngừng việc thi hành án hoặc tạo các tranh chấp giả; cố tình nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành án nhằm cố tình gây khó khăn kéo dài việc thi hành án.

“Pháp luật thi hành án chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp khiến các cơ quan thi hành án dân sự còn lúng túng trong việc xử lý hoặc xử lý nhưng cách thức, trình tự không thống nhất” - ông Long nêu.

Thi hành án tín dụng ngân hàng: Vẫn ngóng chờ chính sách pháp lý
Tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”

Nâng cao hiệu quả thi hành án

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng nói riêng, ông Long cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, Luật Thi hành án năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, tuy nhiên đến nay từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, ông Long đề nghị Tổng Cục thi hành án xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đặc biệt, là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án, thời hạn tối đa cơ quan thi hành án phải giao tài 7 sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng thi hàng án, ủy thác xử lý tài sản bảo đảm, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp...

Đối với các trường hợp khiếu nại về thi hành án, cần quy định cụ thể những trường hợp nào người có thẩm quyền khiếu nại sẽ ra quyết định tạm ngừng thi hành án, tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi về thi hành án, nhằm tránh việc người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình lợi dụng việc khiếu nại liên tục nhưng không có căn cứ để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.

Xuất phát từ thực tiễn, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, Tổng cục Thi hành án đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự.

Tại tọa đàm, các tổ chức tín dụng đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi các bản án tín dụng ngân hàng.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục