Thị chứng khoán trường tăng tốc và chinh phục trở lại ngưỡng 1.200 điểm

(Banker.vn) Thị trường tăng tốc và chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.
Tiền chảy vào chứng khoán nhiều nhất từ đầu năm, VN-Index lập đỉnh mới Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng đưa VN-Index vượt đỉnh, thanh khoản quay lại ngưỡng “tỷ đô”

VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên, càng về cuối giờ giao dịch, diễn biến càng tích cực. Dòng tiền bắt đáy sau khi được kích hoạt ở vùng 1.180 điểm, thì tiếp tục hăng hái giải ngân. Đà tăng lan tỏa khắp thị trường, nhóm VN30 làm tốt vai trò dẫn dắt, với đóng góp chủ lực từ VNM, HPG, VIC. Tại rổ VN30, 28/30 cổ phiếu tăng giá. BCM, VNM tăng trên 4%. FPT, VRE, HPG, GVR… cùng tăng trên dưới 3%.

Tiền đổ mạnh vào chứng khoán, VN-Index tăng gần 20 điểm
Thị trường tăng tốc và chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip

Dù hạ độ cao về cuối phiên, đóng cửa chỉ tăng 1,9%, nhưng VIC là mã giao dịch sôi động nhất, thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng. Các mã họ Vingroup cũng đồng loạt tăng giá, như VRE, VHM.

Diễn biến tích cực của Vinfast trên sàn chứng khoán Mỹ tiếp tục tạo lực đẩy mạnh mẽ tới nhóm Vingroup trong nước. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua 25/8, Vinfast tăng hơn 40% so lên mức 68,77 USD/cổ phiếu, vốn hóa lên mức 160 tỷ USD.

Vingroup hiện nắm giữ hơn 51% cổ phần VinFast. Nếu tính theo tỷ lệ này, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản 80 tỷ USD tại hãng xe điện.

Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu FPT. Lực cầu gia tăng mạnh đã giúp FPT dần tăng tốc sau phiên sáng nhích nhẹ. Dù không giữ được mức giá cao nhất phiên nhưng FPT đã ghi nhận phiên tăng điểm tích cực và xác lập đỉnh lịch sử mới của cổ phiếu này.

Cụ thể, đóng cửa, FPT tăng 3,8% lên mức giá 94.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,95 triệu đơn vị. Như vậy, vốn hóa của FPT tương ứng là hơn 119 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 5,2 tỷ USD.

Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào nhóm chứng khoán, SSI thanh khoản cao thứ 2 toàn sàn, với giá trị 874 tỷ. VIX theo sau, giao dịch gần 600 tỷ đồng. Sắc xanh bao phủ hơn 20 cổ phiếu, tăng mạnh nhất ORS, đạt giá trần 17.800 đồng/đơn vị. Các mã giao dịch sôi động như VND, SHS, HCM. Sau thông tin về hệ thống KRX, nhóm chứng khoán phản ứng khá tích cực.

Diễn biến đồng thuận cũng đồng thời diễn ra ở các ngành ngân hàng, bất động sản, vật liệu, phân bón, nông nghiệp, thuỷ sản…. Trong đó, nhóm bất động sản đặc biệt tích cực, sau liên tiếp thông tin hỗ trợ, như ngân hàng hạ lãi suất hay Thông tư số 10 của Ngân hàng Nhà nước. HPX, QCG tăng trần. DXG, GEX, BCM, IJC, DXS, NVL, KDH, CII, DIG… cùng tăng giá. Nhóm bất động sản chiếm áp đảo trong nhóm dẫn đầu thanh khoản.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng hỗ trợ tốt cho thị trường như LAS tăng 3,3%, TIG tăng 2,7%, BVS tăng 2,6%...

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu SVN có phiên giao dịch ấn tượng khi đóng cửa kéo trần thành công lên mức 4.600 đồng/CP, tăng 9,5% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng biên độ và kết phiên tại vùng giá cao nhất ngày.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,35 điểm (1,55%) lên 1.201,72 điểm. HNX-Index tăng 1,98 điểm (0,82%) lên 244,88 điểm. UPCoM-Index tăng 0,72 điểm (0,79%) lên 91,73 điểm.

Thanh khoản giảm nhẹ, với giá trị khớp lệnh HoSE gần 17.200 tỷ đồng. Khối ngoại quay lại mua ròng 103 tỷ đồng, tập trung vào DGC, DXG, VNM, KDC… Ở chiều ngược lại, VPB, MWG, CTG, SSI là những mã bị bán mạnh nhất.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương