Thêm một lớp bảo mật - bảo vệ tốt hơn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng

(Banker.vn) Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 chiều 6/7/2024, liên quan đến quy định về xác thực sinh trắc học đối với giao dịch trên 10 triệu đồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, sau ngày 1/7, các giao dịch đều diễn ra thông suốt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 chiều 6/7/2024, liên quan đến quy định về xác thực sinh trắc học đối với giao dịch trên 10 triệu đồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, sau ngày 1/7, các giao dịch đều diễn ra thông suốt. Đồng thời, Phó Thống đốc khẳng định: mục tiêu quan trọng của ngành Ngân hàng là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, bên cạnh việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt.
 
 
 


Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tại họp báo Chính phủ chiều 6/7
 
Ngày 18/12/2023, NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345). Theo Quyết định số 2345, từ 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Mục tiêu ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Phó Thống đốc giải thích rõ hơn, một trong những mục đích đầu tiên là làm sạch tài khoản. NHNN đang phối hợp Bộ Công an triển khai làm sạch tài khoản khách hàng, sau khi làm sạch xong sẽ không có hiện tượng dùng giấy tờ giả để mở tài khoản.

19 triệu tài khoản khách hàng đã đăng ký xác thực sinh trắc học thành công

Với quy định tại Quyết định 2345, thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử trên 10 triệu đồng mới yêu cầu kiểm tra sinh trắc học, cách thức đơn giản là so sánh khuôn mặt của người thực hiện giao dịch với khuôn mặt đã được kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bô Công an. Còn những giao dịch dưới 10 triệu đồng, hoặc giao dịch thanh toán hàng hóa thiết yếu kể cả đến 100 triệu đồng (mua vé máy bay, tiền điện, nước, thuế..) không yêu cầu sinh trắc học. Nói cách khác, những dịch vụ mà ngân hàng đã xác minh đầu nhận và tích hợp sẵn trên app của ngân hàng thì hạn mức là 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng mới yêu cầu xác thực sinh trắc học.

Theo thống kê trong tháng 6/2024, giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm khoảng 8% số lượng, bình quân 1 ngày có khoảng 1,8 triệu đến 2 triệu giao dịch này. Hiện nay, Việt Nam có trên 87% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Số lượng tài khoản khoảng gần 180 triệu, bình quân mỗi người Việt Nam có 3 tài khoản tại ngân hàng.

Thống kê đến chiều qua 5/7, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch khoảng 19 triệu tài khoản thông qua căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an cấp, trong đó có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ làm việc trực tiếp tại quầy (đó là những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip, hoặc không có điện thoại kết nối NFC - NFC là viết tắt của Near-Field Communication - chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn.)

Đến hết ngày hôm qua 5/7, giao dịch đạt mức đỉnh của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là 26,3 triệu giao dịch, đây cũng là mức lớn nhất trong 10 ngày gần đây, trong đó 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng.

Như vậy cho thấy hoạt động giao dịch trên 10 triệu đồng vẫn diễn ra bình thường sau khi áp dụng xác thực sinh trắc học. Chỉ có hơn 8,2% giao dịch phải xác thực sinh trắc học, còn gần 92% giao dịch thực hiện như trước đây (sử dụng mã OTP để xác thực), nên không xảy ra tắc nghẽn giao dịch trên toàn hệ thống. Một số trường hợp tắc nghẽn cục bộ tại một số ngân hàng trong ngày đầu tiên áp dụng đã được xử lý, từ ngày 2/7 đến nay, cơ bản mọi giao dịch đã thông suốt.

Trong quá trình triển khai Quyết định 2345, NHNN luôn theo dõi sát tình hình, phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06 - Bộ Công an để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong ngành Ngân hàng tháo gỡ, xử lý các khó khăn vướng mắc. NHNN cũng có văn bản hướng dẫn triển khai đối với khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chíp và NFC điện thoại.

Phó Thống đốc dẫn chứng, tại Vietcombank, chiều 1/7, khách hàng đã có thể không cần đến điện thoại có kết nối NFC nữa, mà ngân hàng đã triên khai kết nối liên thông app-app từ VNeID kết nối với app của VCB, thông tin từ VNeID truyền thẳng sang, đây được xem là giải pháp căn cơ.

Liên quan đến bảo mật thông tin, Luật Các Tổ chức tín dụng cũng quy định trách nhiệm ngân hàng trong bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, còn có Luật An ninh mạng, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, do đó, các ngân hàng làm phải tuân thủ các quy định. Về phía NHNN cũng ban hành nhiều văn bản, thông tư quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt.

“Đối với vấn đề bảo mật, giao dịch trên 10 triệu đồng là thêm 1 lớp bảo mật là xác thực sinh trắc học, qua đó bảo vệ cho chính khách hàng” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đảm bảo an ninh an toàn hệ thống

Phó Thống đốc cũng chia sẻ, thực tế, tội phạm công nghệ liên tục có nhiều chiêu trò lừa đảo mới, thủ đoạn mới, chẳng hạn, có ứng dụng VNeID hay ứng dụng của các cơ quan chức năng khác thì tội phạm lại có chiêu trò lừa đảo mới thông qua cài đặt ứng dụng giả mạo và chiếm quyền sử dụng điện thoại để chiếm đoạt tiền trong tài khoản... Ngành Ngân hàng cũng liên tục khuyến cáo tới người sử dụng dịch vụ, nâng cao kỹ năng cho người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng, đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan trong ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao.

Ông khẳng định, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng còn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt là vấn đề cốt lõi. Hơn 95% giao dịch ngân hàng đang thực hiện trên kênh số. “Có thủ đoạn mới thì chúng ta phải đưa ra phương pháp mới”- ông nói.

Trong quá trình triển khai, NHNN tiếp tục theo dõi, chỉ đạo kịp thời các tổ chức tín dụng có giải pháp xử lý, đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có). Phó Thống đốc nhấn mạnh, nếu có vướng mắc thì ngân hàng phải xử lý, thời gian tới sẽ tiến tới nâng cấp Mobile Banking để ứng phó, đối phó với thủ đoạn mới, đảm bảo an ninh an toàn hệ thống.

Nhiều ngày qua, các tổ chức tín dụng đã làm cả ngoài giờ, hỗ trợ các khách hàng…Theo thống kê, các ngày từ 3 đến 5/7, số người đến chi nhánh ngân hàng để làm sinh trắc học đã giảm dần, không còn hiện tượng ách tắc. Phó Thống đốc khẳng định thêm: “Chúng ta sẽ làm có lộ trình và mục tiêu cao nhất chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng”.

Theo Phương Linh/sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục