Thêm 5 doanh nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

(Banker.vn) Sáng 15/6, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 doanh nghiệp đủ điều kiện.
33% doanh nghiệp đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại Bộ Công Thương hướng dẫn đăng ký hợp đồng điện tử cho hơn 20 doanh nghiệp lớn Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 doanh nghiệp

Năm doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPay, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần Savis, Công ty cổ phần công nghệ tin học EFY Việt Nam.

Thêm 5 doanh nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử
Thêm 5 doanh nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, cùng với hiệu quả của việc ứng dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử điện tử đang được các doanh nghiệp sử dụng ngày càng phổ biến để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Để đảm bảo tính khả dụng của hợp đồng điện tử, Bộ Công Thương đã triển khai Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (CeCA.gov.vn) từ tháng 6/2022, cùng với các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA - Certified eContract Authority) được cấp đăng ký, triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử hay còn gọi là Hợp đồng điện tử có tích xanh được chứng thực bởi các CeCA và Bộ Công Thương, dù không lưu trữ nội dung hợp đồng nhưng vẫn có thể đảm bảo chủ thể tham gia ký kết, đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu, đảm bảo khả năng tra cứu, xác thực, hỗ trợ giải quyết tranh chấp, đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử khi làm việc với bên thứ ba bao gồm: ngân hàng, đối tác, cơ quan giải quyết tranh chấp,... Thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử, các hợp đồng sẽ được chứng thực với dấu tích xanh của Bộ Công Thương, đảm bảo tính bảo mật và xác thực toàn vẹn, chống chối bỏ.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Bộ Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chúc mừng các đơn vị đã rất nỗ lực để được cấp giấy đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Những đơn vị này đã và đang đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đóng góp quan trọng vào việc cải thiện hiệu quả giao dịch trực tuyến, bảo vệ tính bảo mật và toàn vẹn của thông tin, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh an toàn và tin cậy trong thời đại kinh tế số

Cục trưởng Lê Hoàng Oanh chia sẻ, Giải pháp “Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam” là “cầu nối” các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo,... giúp chứng thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả.

Thêm 5 doanh nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại buổi lễ

Giải pháp Trục hợp đồng điện tử Việt Nam thuộc nhóm giải pháp phát triển thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng, trong khuôn khổ thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”.

“Việc triển khai giải pháp này của Bộ Công Thương nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức về tính bảo mật thông tin và đảm bảo tính toàn vẹn của hợp đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam” - bà Lê Hoàng Oanh cho hay.

Để thực hiện tốt các hoạt động của mình, Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực hợp đồng điện tử phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng thực hợp đồng điện tử, đảm bảo hoạt động đúng nội dung Đề án cung cấp dịch vụ được phê duyệt; tuân thủ các quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.

Bên cạnh đó, các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử cần liên tục nghiên cứu, xây dựng các phương án công nghệ, mở rộng phạm vi ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, phát triển thị trường an toàn, bền vững, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh đề nghị các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh Tế số đầu mối là Phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số ứng dụng cơ sở dữ liệu minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Chỉ thị số 18/CTTTg ngày 30/5/2023 của Thủ tưởng Chính phủ.

Tính đến nay đã có 10 tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương xác nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Thị trường có thêm lựa chọn về giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử an toàn, bảo mật, đặc biệt là giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thực hiện các giao kết điện tử.

Ngay sau khi được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, các tổ chức này sẽ tiến thêm một bước mới là sẽ cùng Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam chứng thực lên hợp đồng điện tử mà các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử cung cấp, hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ được lưu trữ và bảo đảm tính toàn vẹn, chống chối bỏ do các bên khởi tạo trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Đây cũng được xem như tiền đề để các doanh nghiệp có thể an tâm chuyển đổi từ ký kết truyền thống sang ký kết điện tử để có được những giá trị hiệu quả và tối ưu chi phí. Điều này đã góp phần xây dựng lòng tin và tăng cường an ninh thông tin trong giao dịch trực tuyến.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương