Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 có tác động lớn đến thị trường tài chính ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển. Các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, tiếp tục nghiên cứu giảm phí dịch vụ để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, thẻ tín dụng nội địa các ngân hàng ra mắt gần đây thu hút sự quan tâm của khách hàng bởi nhiều ưu điểm như chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, mạng lưới thanh toán rộng khắp, phí giao dịch thấp hơn so với nhiều loại thẻ tín dụng khác…
Thẻ tín dụng nội địa góp phần thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, hạn chế tín dụng đen
Tín dụng tiêu dùng ở nhiều quốc gia phát triển cũng được coi là giải pháp cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, góp phần kích cầu tiêu dùng, hạn chế tín dụng phi chính thống. Tại Việt Nam, thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng và Napas phát hành mới đây cung cấp công cụ chi tiêu tiêu dùng dựa trên tín chấp với mức phí hợp lý. Thẻ sử dụng công nghệ chip và tiêu chuẩn đồng nhất (VCCS) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đầy lùi tín dụng đen; nâng cao tính bảo mật, an toàn cho chủ thẻ.
Bên cạnh tính năng được chi tiêu trước, trả tiền sau như các loại thẻ tín dụng khác, loại thẻ chip tín dụng nội địa này còn có nhiều tiện ích vượt trội như thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, nhiều hơn so với mức 45 ngày ở các loại thẻ tín dụng khác; được chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán tại 235.304 POS và 14.386 ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hang; chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng. Chủ thẻ tín dụng nội địa cũng có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.
Thẻ tín dụng nội địa này nhắm tới các đối tượng có thu nhập trung bình thấp, từ 3-5 triệu đồng/tháng, với thủ tục đăng ký, mở thẻ đơn giản hy vọng sẽ hút nhiều người dùng như hộ nông dân, công nhân, người dân ở vùng sâu, vùng xa - đối tượng dễ bị tín dụng đen "tấn công".
Đặc biệt, hình thức giải ngân qua thẻ tín dụng nội địa có mức phí rẻ hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Cụ thể, với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1-2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000-20.000 đồng) là mức thấp hơn rất nhiều so với các thẻ tín dụng quốc tế đang phát hành trên thị trường (hiện ở mức 4%). Đây được cho là một sự lựa chọn tốt cho khách hàng khi có nhu cầu khẩn cấp chi tiêu tiêu dùng bằng tiền mặt, giúp người dùng không phải tìm đến các kênh tín dụng phi chính thức như tín dụng đen. Bên cạnh đó, nếu thực hiện giao dịch thanh toán thì chủ thẻ lại còn được hoàn toàn miễn phí. Như vậy, việc thanh toán các nhu yếu phẩm, vật tư nông nghiệp... lên tới vài chục triệu đồng cũng có thể được thực hiện dễ dàng. Đây chính là giải pháp được kỳ vọng sẽ hạn chế tín dụng đen.
Được biết, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa này là do Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng (VietinBank, Viet Capital Bank, ACB, HDBank, BAOVIET Bank, Sacombank và VietBank) phát hành gần đây. Sự kiện ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay gồm Thẻ ghi nợ, Thẻ tín dụng và Thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất. Tại buổi lễ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh các ngân hàng và Napas cần tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, trong đó chú trọng phát triển thẻ tín dụng nội địa như là giải pháp quan trọng mang lại tiện ích cho người dùng và góp phần đẩy lùi tín dụng đen; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa.
Tiềm năng phát triển thị trường thẻ nội địa
Theo báo cáo của Chi Hội thẻ ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, tổng số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành tại Việt Nam là hơn 103 triệu thẻ bao gồm cả thẻ quốc tế và thẻ nội địa. Doanh số sử dụng chi tiêu thẻ vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức cao 51% trong 6 tháng đầu năm dù trong giai đoạn dịch COVID-19. Doanh số sử dụng chi tiêu thẻ nội địa tăng trưởng 93%, cao hơn thẻ quốc tế (tăng trưởng 24%). Tỷ trọng sử dụng thẻ để rút tiền mặt ở thẻ nội địa dịch chuyển nhanh sang chi tiêu thẻ tại các đơn vị chấp nhận thanh toán. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ trọng sử dụng thẻ nội địa rút tiền mặt là 84%. Năm 2019, tỷ lệ này là 90%, năm 2018 là 94%.
Đáng chú ý, số liệu của Chi Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, từ năm 2017-2020, tổng doanh số sử dụng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng 25%, tổng doanh số thanh toán thẻ tăng trưởng 132%, tổng doanh số rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng nội địa tại ATM giảm 1%. Điều này cho thấy có thay đổi trong thói quen sử dụng thẻ của người dân, giảm rút tiền mặt tại ATM, tăng giao dịch thanh toán.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|