Thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy lùi tín dụng đen

(Banker.vn) Thẻ nội địa, thẻ tín dụng nội địa cũng có các ưu điểm như việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản. Thẻ có thể sử dụng để chi tiêu, bất cứ khi nào người dân, người lao động có nhu cầu, giảm thiểu vay tín dụng đen. Đặc biệt, vay lãi do các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi lên tới 60 ngày.

Trao đổi về thẻ tín dụng nội địa, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay: Trong 5 năm qua, thẻ nội địa ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán và rút tiền tại hơn 20.000 điểm ATM.

Xét riêng về vấn đề chi tiêu tại các điểm giao dịch, trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%.

NAPAS đã phối hợp ký thỏa thuận hợp tác về việc thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa.

"Đến thời điểm này, 600.000 thẻ đã được phát hành. Con số này không quá lớn nhưng xét trong điều kiện nhiều lần giãn cách do dịch COVID-19, trong khi với thẻ tín dụng nội địa người dân phải đến trực tiếp tổ chức phát hành để ký và nhận thì con số trên cũng đáng được ghi nhận", ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

Đại diện NAPAS cho hay: Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra. Người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho tiêu dùng cá nhân, đặc biệt người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình.

Thẻ tín dụng nội địa cũng có nhiều ưu điểm, như với hạn mức nhỏ nên các yêu cầu về việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản hơn so với thẻ quốc tế tương tự. Với thẻ này, người lao động có nhu cầu thì có thể chi tiêu ngay, không phải tìm mọi cách để vay (kể cả tín dụng đen).

Đặc biệt, các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi vay lên tới 60 ngày. NAPAS đã hợp tác với các ngân hàng để đưa ra sản phẩm thẻ, cả sản phẩm thẻ Agribank Lộc Việt 2 trong 1, hay Vietcredit… Đây cũng là định hướng sắp tới để đẩy mạnh việc hợp tác phổ cập thẻ tín dụng nội địa đến đa số người dân.

Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank cho biết, thẻ tín dụng Lộc Việt của ngân hàng tích hợp hai ứng dụng thẻ: Thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trên cùng một con chip, theo chuẩn VCCS, khách hàng có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán: Sử dụng tiền của mình khi chọn thẻ debit hoặc khi không có tiền có thể chọn chức năng của thẻ tín dụng.

Đối với sản phẩm thẻ Lộc Việt, khách hàng hưởng rất nhiều tiện ích ưu đãi như miễn hoàn toàn phí phát hành; miễn phí thường niên năm đầu cho chủ thẻ; khách hàng có thể sử dụng tiền ngân hàng không phải trả lãi đến 55 ngày. Hạn mức của thẻ tích hợp 2 ứng dụng trên một thẻ nên có thể cấp hạn mức thấu chi lên tới 50 triệu đồng.

Còn đối với thẻ tín dụng, cấp hạn mức lên tới 30 triệu đồng. Khách hàng có thể sử dụng trên nhiều kênh thanh toán, có thể rút tiền mặt ở ATM hoặc thanh toán tại tất cả các điểm chấp nhận thẻ trong toàn quốc, hiện nay có hơn 300.000 điểm chấp nhận thẻ này.

Lãi suất của thẻ hiện tại là 13%/năm và tỉ lệ thanh toán của thẻ tín dụng chỉ 2%/tháng, khách hàng cũng có thể áp dụng rất nhiều hình thức thanh toán, có thể thanh toán tại quầy giao dịch, ra ATM thanh toán dư nợ hoặc có thể thanh toán dư nợ trên ứng dụng E-mobile banking và khi khách hàng thanh toán, hạn mức được hoàn lại ngay lập tức.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp như: Quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa này đến đông đảo người dân, đặc biệt, người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, hay công nhân ở các khu công nghiệp..., góp phần giải quyết vấn đề tín dụng đen. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế, nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.

Với vai trò là công ty chuyển mạch thẻ, NAPAS cần phối hợp với tổ chức phát hành, thanh toán thẻ để mở rộng mạng lưới, khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Anh Minh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ