Thẻ thanh toán trong xu hướng ngân hàng xanh

(Banker.vn) Quá trình phát triển của thanh toán thẻ, tiến đến xã hội không dùng tiền mặt và thậm chí không dùng cả thẻ vật lý, không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung mà còn góp phần vào xu thế phát triển xanh.

Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, hướng tới nhằm bảo vệ môi trường sống trong sạch, bền vững. Xu hướng "xanh hóa" đó bao gồm cả lĩnh vực tài chính. Ngân hàng với tư cách là một trong những đầu tàu của mọi hệ thống kinh tế, đương nhiên cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Với ngân hàng bán lẻ, cách dễ nhất để làm như vậy là quảng bá việc sử dụng ngân hàng trực tuyến. Lợi ích rõ ràng cho cả khách hàng và ngân hàng. Loại hình hoạt động này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, vì không phải lái xe đến ngân hàng nên không có khí thải gây ô nhiễm, không có giấy tờ nên các khoản phí ngân hàng cho các giao dịch khác nhau cũng có xu hướng thấp hơn. Ngân hàng có thể giảm chi phí chi nhánh, chi phí nhân viên và chi phí giấy tờ và phí gửi thư giảm khi số lượng khách hàng bán lẻ tăng lên và chi phí hành chính tổng thể cũng có xu hướng giảm.

Với các loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, ngân hàng có thể quyên góp từ 0,1 - 0,5% số tiền giao dịch cho các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến các nguyên nhân môi trường hoặc cho quỹ vì môi trường do chính ngân hàng tổ chức. Ví dụ, một loại thẻ tín dụng của HSBC, mỗi khi chủ thẻ mua hàng, 0,1% được chuyển vào chương trình "HSBC Green Roof for Schools". Thẻ này cũng cung cấp các đặc quyền về các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường tại một số điểm bán hàng được chọn và các đặc quyền vượt trội của thẻ HSBC Visa Bạch Kim cung cấp.

Hay như với thẻ tín dụng Visa WWF, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới nhận được 40 bảng khi chủ thẻ sử dụng thẻ của mình trong vòng 90 ngày kể từ ngày mở thẻ; 40 xu cho mỗi 100 bảng chi tiêu bằng thẻ; 2 bảng cho mỗi năm chủ thẻ tiếp tục sử dụng thẻ.

Thẻ gỗ và có thể phân hủy sinh học cũng đang xuất hiện trên thị trường để khách hàng có thể yên tâm rằng thẻ của họ không chỉ có thể tái chế mà còn được tạo ra bằng các vật liệu bền vững hơn. Thẻ ghi nợ Treecard làm từ gỗ anh đào - ra mắt năm 2020 - đã huy động được hàng triệu đô la tài trợ hạt giống để trồng rừng và đầu tư cho việc chống biến đổi khí hậu thông qua một phần phí thanh toán được Mastercard trích lại và trả cho Treecard. 

Vật liệu kim loại cũng đã được quan tâm trong một thời gian dài với Thẻ American Express Metal Centurion kỷ niệm 20 năm thành lập và truyền cảm hứng cho việc tạo ra các thẻ kim loại cao cấp mới kể từ đó. Curve, Monzo, Revolut và thậm chí cả Apple đã tung ra các thẻ kim loại độc quyền, cho thấy kim loại đã chắc chắn trở thành xu hướng trong số các ngân hàng kiểu mới ở Anh và các công ty Fintech đang muốn tạo sự khác biệt. Mặc dù chúng thường được coi là những sản phẩm xa xỉ và ít liên quan đến việc bảo vệ môi trường nhưng điều đó cho thấy nhiều khách hàng đang muốn thay đổi chiếc thẻ nhựa của họ.

Các ngân hàng cũng vô tình giúp giảm bớt lượng thẻ nhựa khi phát hành các loại thẻ 2 trong 1. Năm 2011, Ngân hàng Fifth Third Bank ở Mỹ đã phát hành Duo MasterCard – chiếc thẻ lai giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đầu tiên. Sau khi được thử nghiệm ở một số nơi trên thế giới, loại thẻ này đã xuất hiện ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét xử lý – chẳng hạn như nhân viên thanh toán hay chính bản thân chủ thẻ đưa thẻ vào POS nhầm chiều dẫn – nhưng thẻ 2 trong 1 vẫn là thử nghiệm đáng khích lệ. 

Ở khía cạnh khác của ngành, các nhà cung cấp giải pháp thanh toán như Ecolytiq đã được tạo ra để giúp các ngân hàng và Fintech tính toán hậu quả của các giao dịch thanh toán cá nhân và hướng dẫn khách hàng của họ đến một lối sống bền vững hơn thông qua các ưu đãi, khuyến khích và bồi thường. Tất nhiên, khách hàng cần tương tác và xem những thông tin đó trên giao diện của hệ thống ngân hàng điện tử hoặc ứng dụng ngân hàng di động. Bản thân việc sử dụng các ứng dụng ngân hàng di động hay đối thủ của chúng là các loại ví điện tử là một xu thế mạnh mẽ của việc thanh toán không dùng thẻ vật lý.

Như vậy, quá trình phát triển và tiến hóa của thanh toán thẻ, tiến đến xã hội không dùng tiền mặt và thậm chí không dùng cả thẻ vật lý, không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung mà còn góp phần vào xu thế phát triển xanh. Các ngân hàng nên nhận thức rõ ràng về điều đó để có các biện pháp tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của khách hàng đồng thời nâng cao doanh thu, sự nhận biết và gắn kết của khách hàng.

PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục