Thế 'khó chồng khó' của doanh nghiệp

(Banker.vn) Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết về những khó khăn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Hà Nội nâng cao năng lực xuất khẩu qua thương mại điện tử Doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, chờ cơ hội phục hồi

Nói về tình hình doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết bên cạnh những khó khăn khách quan, vướng mắc về pháp lý, thể chế đang khiến một số hoạt động kinh doanh không thể tiếp tục được triển khai hoặc bị trì hoãn. Vì thế, cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu
Ông Phan Đức Hiếu

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những quy định pháp lý đang gây khó khăn cho doanh nghiệp?

Ông Phan Đức Hiếu: Bên cạnh khó khăn về dòng tiền, về lãi suất cho vay vẫn còn đang ở mức cao, doanh nghiệp cảm nhận nhiều vướng mắc về pháp lý, thể chế, khiến một số hoạt động kinh doanh bị tắc nghẽn. Chúng tôi cũng ghi nhận sự xuất hiện tâm lý lo lắng về một số thể chế mới được ban hành có thể tạo ra gánh nặng về chi phí. Ví dụ,d 14 hiệp hội doanh nghiệp mới đã ây có đơn bày tỏ sự lo ngại về mức chi phí tái chế rất cao, chưa hợp lý trong dự thảo quy định mức chi phí tái chế.

Đó là chưa kể tới những thách thức mà chúng ta còn gặp phải từ bên ngoài. Ví dụ thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, thuế carbon… đang tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Tôi rất mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định mới để tăng năng lực cạnh tranh, ví dụ hỗ trợ trong việc kiểm đếm CO2 để họ có cơ sở xuất khẩu.

- Trong bối cảnh đó, ông đánh giá như thế nào về những chính sách được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua?

Xét một cách khách quan và theo điều tra về cảm nhận doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp đều cảm nhận tích cực về tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, những chính sách hỗ trợ, thủ tục bằng 0, tức những thủ tục tự động như chính sách hỗ trợ người lao động, giãn hoãn thuế… hầu hết đi vào cuộc sống rất nhanh, doanh nghiệp đánh giá cao. Nhưng những chính sách đòi hỏi làm thêm về thủ tục như tiếp cận lãi suất… thì tốc độ thực thi hạn chế hơn rất nhiều.

Khảo sát mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 10.000 doanh nghiệp cho thấy hơn 59% doanh nghiệp khó khăn đơn hàng, hơn 51% khó khăn khi tiếp cận vốn vay, hơn 45% khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật, 31,1% lo lắng về nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Đáng chú ý, 84% doanh nghiệp đánh giá sự điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương kém hiệu quả.

Nhìn về mặt hành động, cả Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đều đang rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng nhìn ở góc độ doanh nghiệp, họ vẫn chưa cảm nhận được sự cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh với tôi về việc gặp phải tình trạng kéo dài, hay trì hoãn việc thực hiện thủ tục, gia tăng chi phí kinh doanh, tác động bất lợi đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng ta đều biết, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp như giãn hoãn thuế, giảm lãi suất… Nhưng theo quan sát gần đây, nhiều doanh nghiệp quan ngại một số quy định mới được ban hành làm gia tăng chi phí doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, đáng ra những quy định đấy không nên xuất hiện, bởi việc tạo thêm chi phí, rào cản hành chính sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như vấn đề về phòng cháy chữa cháy, có thể mục tiêu quản lý của nhà nước là cần thiết, nhưng chi phí đó đã hợp lý hay chưa? Hay gần đây, hơn mười hiệp hội ngành nghề đã có thư kiến nghị về dự thảo quy định tính định mức Fs là định mức tái chế sản phẩm bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp quan ngại về sự hợp lý của cách tính, bởi quy định đang lấy mức phí cao hơn chi phí thông thường, rồi còn cộng thêm 3% chi phí quản lý… Những quy định như vậy làm doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn.

- Phải chăng những vướng mắc trong môi trường kinh doanh đến từ sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật, do cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm?

Đây không phải vấn đề mới nhưng qua từng giai đoạn, mức độ nghiêm trọng và quy mô lại khác nhau. Có những giai đoạn, tinh thần cải cách mạnh mẽ, tạo khí thế làm việc, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm, nhưng gần đây thì lại mờ đi. Nguyên nhân là một số bộ phận cán bộ, công chức có tư tưởng, đạo đức, năng lực chuyên môn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công việc. Hơn nữa, nguyên nhân còn do cách giám sát, đánh giá công vụ khiến cán bộ cảm thấy rất rủi ro khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó.

Hiện nay, nhiều quy định pháp luật không quy định rõ trách nhiệm của cán bộ nên họ rất lúng túng trong xử lý hồ sơ. Ví dụ như nhiều quy định yêu cầu doanh nghiệp khi nộp hồ sơ để cấp phép thì phải có phương án kinh doanh, nhưng không xác định được tiêu chí nào là phương án kinh doanh khả thi hay không khả thi, nên quy định này đẩy rủi ro cho cán bộ. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà gây khó cho cả cán bộ, công chức thực thi, như quy định chung chung về “liệt kê thêm các giấy tờ khác nếu có”. Rõ ràng, khi cơ chế không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn thì cán bộ có lý do để trì hoãn.

- Vậy, đâu sẽ là giải pháp triệt để để giải quyết tình trạng này?

Như tôi đã nói, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là những vấn đề về thị trường, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cả về vốn, vật lực, nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp cần những hỗ trợ để cầm cự, duy trì hoạt động tối thiểu, khi có cơ hội thì doanh nghiệp sẽ tiến lên.

Giải pháp gốc rễ và dài hạn là phải nâng cao chất lượng thể chế. Còn về giải pháp trước mắt thì Chính phủ cần có cơ chế thành văn nào đó, với những nguyên tắc cụ thể để bảo vệ cán bộ, công chức. Ví dụ như xác định rõ nguyên tắc khi pháp luật có cách hiểu khác nhau thì công chức được áp dụng cách hiểu như thế nào cho phù hợp, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa giảm áp lực rủi ro cho người thực thi công vụ.

Về những quy định còn gây khó cho doanh nghiệp, theo tôi, có 2 cách giải quyết. Thứ nhất là nếu không bắt buộc phải ban hành ngay thì trong thời gian này không nên ban hành thêm bất kể một quy định nào khác, hoặc nếu ban hành thì thời gian để doanh nghiệp thực hiện nên kéo dài, như đến 2024-2025 mới thực hiện. Thứ hai là nếu buộc phải ban hành, như quy định về chi phí Fs phải ban hành vì theo Luật Bảo vệ môi trường, thì trong trường này, Chính phủ nên nghĩ đến việc hỗ trợ chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tuân thủ, không áp dụng hồi tố. Những hỗ trợ này có thể nói là thiết thực hơn những biện pháp khác, thậm chí không chỉ trong bối cách khó khăn như hiện nay, mà trong thời kỳ bình thường thì những hỗ trợ này sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tất cả những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính,môi trường kinh doanh, giảm chi phí hoạt động sẽ góp phần tăng niềm tin với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời giảm thực sự gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động tốt thì nền kinh tế cũng sẽ tốt lên.

Theo Tạp chí Điện tử Đầu tư tài chính

Theo: Báo Công Thương