Thấy gì từ việc lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu?

(Banker.vn) Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên...

Giải chấp và bán giải chấp cổ phiếu trong chứng khoán là gì?

Loạt đại gia bị bán giải chấp cổ phiếu

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã phát đi thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán đối với ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) và Công ty TNHH Phát Đạt Holdings - cổ đông lớn có liên quan đến ông Đạt.

Thấy gì từ việc lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu?
Hình minh họa

Theo đó, TVSI dự kiến bán bắt buộc 750.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt, và 720.000 cổ phiếu PDR khác do Phát Đạt Holdings nắm giữ. Thời điểm thực hiện theo kế hoạch là hôm nay, ngày 7/11.

Theo số liệu mới nhất, ông Nguyễn Văn Đạt đang là cổ đông lớn nhất khi giữ 332,15 triệu cổ phiếu PDR, tương đương với gần 49,5% vốn điều lệ. Còn Phát Đạt Holdings là cổ đông lớn thứ hai với sở hữu hơn 73,6 triệu cổ phiếu PDR, tỷ lệ gần 11%.

Cũng trong một thông báo đưa ra ngày 7/11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự kiến bán giải chấp 2.131.548 cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG), 1.474.031 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường, con trai ông Tuấn đồng thời là Phó Chủ tịch DIC Corp và 1.445.105 cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, con gái ông Tuấn đồng thời là Phó Chủ tịch DIC Corp.

Thời gian bán giải chấp từ phiên 7/11 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ. Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu DIG giảm sàn với khối lượng bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị.

Trước đó, vào ngày 4/11 và 27/10, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thông báo dự kiến bán giải chấp cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn với số lượng lần lượt là 2,8 triệu và 5 triệu cổ phiếu.

Cũng với lý do trên, cổ đông lớn nhất của DIC Corp là Công ty CP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng đã bị ép bán 4,2 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 27/10. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của tổ chức này đã giảm từ 15,4% xuống còn 14,7% tương ứng gần 89,8 triệu cổ phiếu.

Trước đó, do bị giải chấp cổ phiếu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (mã HDC) bán 105.000 cổ phiếu và Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh, tổ chức liên quan ông Nguyễn Tuấn Anh bán 105.000 cổ phiếu từ ngày 25 - 26/10.

Ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG cuối tháng 10 cũng bị buộc bán ra 713.000 cổ phiếu LDG thông qua phương thức khớp lệnh trong ngày 28/10. Lý do là công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Sau giao dịch tỷ lệ sở hữu của ông Hưng giảm từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, tức từ trên 27,1 triệu cổ phiếu LDG về còn 26,4 triệu đơn vị.

Vào ngày 24/10, ông Đinh Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cũng bị Chứng khoán VPS bán giải chấp 24.500 cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng.

Một vài “con số” đáng chú ý từ việc bị bán giải chấp cổ phiếu

Hoạt động bán cổ phiếu hoặc/và bị bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết hoặc tổ chức có liên quan diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều cổ phiếu bốc hơi 50-90%.

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin bắt bớ một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Thống kê cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, hiệu suất của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản giảm 13,84%, giảm mạnh hơn so với mức sụt giảm của VN-Index là 9,20% và chỉ đứng sau nhóm năngg lượng, công nghiệp và vật liệu. Hầu hết các cổ phiếu bị bán giải chấp nêu trên đều có mức sụt giảm mạnh so với thị trường và so với các cổ phiếu trong nhóm bất động sản trong hai tháng gần đây.

Cụ thể, thị giá cổ phiếu DIG liên tục giảm mạnh và đang giao dịch quanh vùng đáy 2 năm. Chốt phiên giao dịch ngày 7/11, cổ phiếu DIG giảm sàn xuống mức 15.450 đồng/cp, “bốc hơi” 84% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 1 năm nay. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay gần 50.500 tỷ đồng (~2,1 tỷ USD), còn 9.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu PDR vừa trải qua 13 phiên giảm liên tiếp với phiên gần nhất vào ngày 4/11 giảm sàn và trắng bên mua. Chốt phiên 7/11, PDR tiếp tục giảm sàn xuống 34.900 đồng/cp. Cổ phiếu này giảm hơn 50% từ đỉnh hơn 73.000 đồng/cp hồi cuối năm 2021 xuống mức 34.900 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của Phát Đạt giảm hơn 24.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Thị giá HDC giảm 47%; cổ phiếu HBC giảm 50%; cổ phiếu LDG giảm 67% từ đỉnh đạt được cách đây 2 tháng.

Kết quả kinh doanh của nhóm này cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh không mấy sáng sủa, dư nợ cao.

Báo cáo tài chính quý 3/2022 của DIC Corp cho thấy, doanh thu thuần quý 3 giảm 21,34% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 423 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 996 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi 43 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bất động sản giảm 134,2 tỷ đồng tương ứng giảm 37,51%, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 64,37% trong khi đó chi phí tài chính lại tăng 169,73% dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.

Kết quả kinh doanh của DIG.
Kết quả kinh doanh của DIG.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của DIG tại thời điểm 30/09/2022 gần 15.829 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và các khoản phải thu còn hơn 2.064 tỷ đồng và hơn 6.662 tỷ đồng giảm lần lượt 45% và 12% so với đầu năm.

Giá trị hàng tồn kho tăng 46%, lên gần 5.630 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu đô thị di lịch sinh thái Đại Phước tăng đột biến từ hơn 182 tỷ đồng cuối năm trước lên hơn 1.319 tỷ đồng.

Nợ phải trả của DIG tại thời điểm cuối tháng 9 giảm 9% so với đầu năm, còn 8.309 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay 5.302 tỷ đồng tăng 8%, chiếm 64% tổng nợ phải trả. Trong đó, tổng vay nợ trái phiếu của DIG tại ngày 30/09/2022 hơn 3.417 tỷ đồng. Số dư bao gồm 3 lô trái phiếu của DIG sẽ đáo hạn vào tháng 9 và tháng 11/2024.

Tương tự, tại LDG, trong quý 3, doanh thu thuần của LDG ghi nhận 6,8 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến LDG lỗ gộp gần 200 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 68 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động kinh doanh chính tuy nhiên LDG lại ghi nhận doanh thu tài chính tăng đáng kể nhờ đó công ty báo lãi ròng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này giảm 84% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng của Công ty lần lượt giảm 42% và 55% so với cùng kỳ, còn 146 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.

Tổng tài sản của LDG ghi nhận gần 7.842 tỷ đồng tại thời điểm 30/09/2022, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, gần 70% là các khoản phải thu với hơn 5.467 tỷ đồng, tăng 15%. Tiền và tương đương tiền của Công ty lại giảm mạnh 81%, còn 14 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của LDG tại thời điểm cuối tháng 9 là 4.533 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng cao nhất là phải trả khác với 2.144 tỷ đồng (tăng 60%), tương đương 47%.

Không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp trên thị trường

Thị trường bất động sản vẫn đang chịu áp lực lớn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ.

Điều đáng nói, thị trường đã phản ứng thái quá với việc bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo tại một số doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định nhưng vẫn bị bán bất chấp. Hệ lụy của nhóm bất động sản kích hoạt tâm lý tiêu cực cho cả thị trường dẫn đến nhiều phiên không có quá tin xấu nhưng VN-Index lao dốc, mua bán cạn kiệt, thanh khoản chỉ chưa đạt 10.000 tỷ đồng.

Do đó, theo giới chuyên môn, nhà đầu tư chỉ nên nhận diện rủi ro này ở những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, có liên quan tới phát hành trái phiếu chất lượng thấp, chứ không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.

"Hiện việc giải chấp quy mô lớn bởi cầm cố cổ phiếu có liên quan tới lãnh đạo là những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao hoặc có dư nợ trái phiếu lớn. Nhà đầu tư cần nâng cao năng lực phân tích của mình, cả về năng lực phân tích cơ bản doanh nghiệp tới phân tích đồ thị kỹ thuật và diễn biến giá giao dịch trên sàn. Đặc biệt là phân tích được năng lực tài chính của doanh nghiệp mà mình dự định đầu tư", ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng khuyến cáo.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán