Thấy gì từ giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa?

(Banker.vn) Chiều 14/8, UBTVQH cho ý kiến về giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi): Giữ giá trần sách giáo khoa Biên soạn sách giáo khoa: Đề nghị giải trình trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo Giá tăng so với chương trình cũ, cảnh báo lợi ích nhóm trong kinh doanh sách giáo khoa

Tăng cường giám sát việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề cho biết, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, chưa phù hợp với quy định và yêu cầu của thực tiễn.

Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo; đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo lộ trình.

Đến cuối năm học 2021 - 2022, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 857.993 người (tăng 6.199 người so với đầu năm học 2018-2019). Trong giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; trong đó, bổ sung ngay 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022-2023.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện gồm: Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế…);

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về giáo dục trong các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát việc bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các địa phương; giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó giám sát các văn bản cụ thể đã được phản ánh về việc có nội dung không phù hợp với thực tiễn.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với việc đánh giá của Đoàn giám sát. Đó là việc Chính phủ tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 nhất quán và trách nhiệm.

Điểm lại những kết quả nổi bật đạt được, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống văn bản được ban hành tương đối toàn diện, bao quát các mạch, các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới và đúng với tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung được xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển, bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới. Hệ thống giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản là theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học.

Đội ngũ giáo viên được bố trí tập huấn đầy đủ phục vụ chương trình mới. Nhà nước cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và triển khai chương trình mới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá kĩ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai. Đồng thời, đánh giá chương trình và các nội dung trong các bộ sách giáo khoa đã đáp ứng được yêu cầu mục tiêu xuyên suốt của cải cách lần này là chuyển trọng tâm từ cung cấp và truyền thụ kiến thức sang trọng tâm là nâng cao năng lực và phẩm chất người học hay chưa?

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực hiện chương trình này chưa lâu còn phải tiếp tục theo dõi và đánh giá. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc tích hợp các môn học ở bậc THCS; đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, thi, kiểm tra…

Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13. Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội phân tích rõ tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa.

Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình với đề nghị của Đoàn giám sát, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, các ngành và địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án lớn đã được phê duyệt, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương mà chưa cân đối được ngân sách.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương