Thấy gì qua dự án “khai xuân” 3.000 tỷ đồng của Viglacera (VGC)?

(Banker.vn) Được lựa chọn trở thành dự án mở màn “năm hành động” hướng tới kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập Tổng công ty, Thuận Thành Eco-Smart IP đánh dấu bước chuyển mình về chất lượng dịch vụ các khu công nghiệp mang thương hiệu Viglacera.

Trong lễ ra quân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Tổng Công ty Viglacera – Công ty CP (HOSE: VGC - sàn HoSE) đã chính thức công bố hoạt động đầu tư xây dựng dự án Khu công nghiệp Thuận Thành I (Bắc Ninh) theo hướng khu công nghiệp xanh và thông minh với tên thương mại Thuận Thành Eco-Smart IP. Đây được xem là dự án khởi đầu cho “năm hành động” hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập (25/7/1974 - 25/7/2024) của Viglacera.

Thấy gì qua dự án “khai xuân” 3.000 tỷ đồng của Viglacera (VGC)?
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và ban lãnh đạo Viglacera thực hiện nghi lễ khai trương khu công nghiệp Thuận Thành Eco-Smart IP

Thuận Thành Eco-Smart IP có quy mô diện tích 262 ha, tổng vốn đầu tư lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Với vị trí đắc địa, nằm gần các trục đường chính như Quốc lộ 17, Quốc lộ 38 và đường Vành đai 4, thuận tiện kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, cũng như cảng biển Đình Vũ - Hải Phòng và Cái Lân - Quảng Ninh, dự án được định hướng phát triển thành khu công nghiệp đa chức năng, thu hút đầu tư đa ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghệ thông tin, hàng gia dụng, máy móc thiết bị và công nghiệp thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về dự án, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng - Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera cho hay, dự án hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình xây dựng nhà máy sản xuất xanh, sạch hơn, cộng sinh công nghiệp; cung cấp cho các nhà đầu tư những dịch vụ, tiện ích tốt nhất và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.

Cụ thể, Thuận Thành Eco-Smart IP tập trung vào các giải pháp xanh, thông minh và đồng bộ, bao gồm: nhóm giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó phát huy hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo - pin năng lượng mặt trời...; nhóm giải pháp kiểm soát phát thải ra môi trường (áp dụng công nghệ trong quản lý hệ thống cấp nước, hệ thống tưới cây tự động, tái sử dụng nước mưa...); nhóm giải pháp xanh hóa khu công nghiệp với mục tiêu tối thiểu 60% diện tích cây xanh sử dụng các loại cây có mức độ hấp thụ CO2 cao, đạt chứng chỉ xanh cho khu công nghiệp; nhóm giải pháp chuyển đổi số với mục tiêu quản lý tích hợp & tập trung bằng phần mềm tại trung tâm điều hành, xây dựng hệ thống quản lý chia sẻ dữ liệu, trung tâm tư vấn một cửa...

Đối với môi trường và cộng đồng, Viglacera cam kết mục tiêu giảm phát thải ròng và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước cộng đồng Quốc tế tại COP26.

Về điện năng lượng, tạo ra tối thiểu lượng điện từ năng lượng mặt trời có công suất 0,5MW, đảm bảo 100% nhu cầu của hệ thống chiếu sáng và 1 phần hệ thống phụ tải khu công nghiệp

Về tái sử dụng nước, phấn đấu tái sử dụng 5 - 25% nước thải làm nước tưới cây, rửa đường đáp ứng 40 - 100% nhu cầu; tái sử dụng bùn thải không nguy hại với định lượng khoảng 406 kg/ngày, tương đương 40% tổng lượng bùn thải phát sinh với công suất 3.000m3 nước thải/ngày đêm; giải pháp xanh hóa sẽ giúp hấp thụ tối thiểu hơn 2.000 tấn carbon/1 năm trong những năm đầu, tương đương với mức phát thải của gần 500 ôtô chạy xăng hàng năm.

Đối với nhà đầu tư, Viglacera cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai giảm mức phát thải ròng thông qua việc trao đổi tín chỉ carbon, giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu áp dụng thuế carbon; tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, giảm giá vốn hàng hóa, tăng sức cạnh tranh; nhà đầu tư được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp.

Vốn là “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viglacera nổi tiếng với các sản phẩm vật liệu xanh chất lượng, đã được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế uy tín như bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng giúp giảm phát thải các bon, tiết kiệm năng lượng... Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước khi đang sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha.

Thấy gì qua dự án “khai xuân” 3.000 tỷ đồng của Viglacera (VGC)?
Viglacera hiện sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.000 ha

Riêng tại tỉnh Bắc Ninh, với quỹ đất lên đến 1.200 ha, ngoài Thuận Thành Eco-Smart IP, Viglacera còn đầu tư 4 khu công nghiệp khác là Khu công nghiệp Tiên Sơn, Khu công nghiệp Yên Phong I, Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng và Khu công nghiệp Yên Phong 2C, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như Samsung, Amkor, Canon...

Trong đó, Thuận Thành Eco- Smart IP được xem bước đi tiếp theo của Viglacera trong hành trình xây dựng các khu công nghiệp xanh, thông minh, hướng tới khu công nghiệp sinh thái nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “dấu chân carbon”, đánh dấu bước chuyển mình về chất lượng lịch vụ các khu công nghiệp mang thương hiệu Viglacera lên một tầm cao mới, chặng đường mới.

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt và 1.162 tỷ đồng, giảm 30% so với mức nền cao kỷ lục của năm 2022. Đáng chú ý, trong quý IV/2023, doanh nghiệp này lần đầu tiên ghi nhận lỗ 48 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả này, Viglacera cho hay, sở dĩ lợi nhuận giảm mạnh là do nhóm sản phẩm kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn trích lập 100 tỷ đồng Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã ĐHĐCĐ thông qua.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC đang trong quá trình trở lại vùng đỉnh 65.000 đồng/cp thiết lập hồi tháng 8/2022. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/2/2024, mã này đóng cửa ở mức 52.900 đồng/cp.

Năm 2024, Viglacera (VGC) đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng

Năm 2024, Tổng Công ty Viglacera đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.216 tỷ đồng.

Viglacera (VGC) báo lãi tháng 1 vượt 87% kế hoạch, đặt mục tiêu xuất khẩu 63 triệu USD trong năm 2024

Năm 2024 được Viglacera xác định là “năm của hành động”, năm của những chuyển động mang tính bứt phá tại tất cả các doanh ...

ĐHCĐ Viglacera (VGC): Hạ kế hoạch lợi nhuận còn 50% sau năm vụt sáng

Sáng 11/5, Tổng công ty Viglacera - Công ty CP (HOSE: VGC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 với tất cả các tờ trình ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán