Thay đổi chính sách quản lý ô tô - Quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo hơn

(Banker.vn) Từ tháng 10/2023, nhiều quy định mới trong quản lý ô tô đã chính thức có hiệu lực, trong đó có những điều khoản có lợi hơn cho người tiêu dùng.
Tổng cục Hải quan siết chặt quản lý ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu tặng theo hướng nào? Đề xuất quy định quản lý chặt xe ô tô nhập khẩu không vì mục đích thương mại

Theo thống kê của Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia), trong năm 2023, số vụ thông báo triệu hồi xe bị lỗi của các hãng đang có xu hướng tăng lên. Chính vì vậy, Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có hiệu lực từ tháng 10/2023 thì việc thông báo và giám sát các phương tiện bị triệu hồi sẽ được siết chặt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn khi tham gia giao thông.

Cụ thể, trường hợp các xe ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, nhà nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây: Trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục; trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản. Cụ thể về các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp; chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra là thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu về việc tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và các yêu cầu bổ sung đối với chương trình triệu hồi (nếu có), yêu cầu người nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi; thông tin về ô tô bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện triệu hồi của người nhập khẩu theo kế hoạch; tạm dừng các thủ tục chứng nhận chất lượng đối với người nhập khẩu ô tô không thực hiện trách nhiệm theo quy định. Ngoài ra, cơ quan kiểm tra sẽ xem xét dừng thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các ô tô của cùng nhà sản xuất nếu người nhập khẩu cung cấp được bằng chứng nhà sản xuất đó không phối hợp để thực hiện kế hoạch triệu hồi.

Thay đổi chính sách quản lý ô tô - Quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo hơn

Đối với ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được cơ quan kiểm tra cấp giấy chứng nhận, cơ quan kiểm tra thông báo tới cơ quan hải quan nơi mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho phép người nhập khẩu tạm giải phóng hàng để người nhập khẩu thực hiện việc khắc phục các xe thuộc diện triệu hồi. Sau khi người nhập khẩu cung cấp danh sách các ô tô đã được khắc phục lỗi theo quy định của nhà sản xuất, cơ quan kiểm tra tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra, chứng nhận theo quy định.

Đại diện Ban quản trị một diễn đàn ô tô lớn hiện nay nhận định: "Khi chiếc xe ô tô ngày càng trang bị nhiều tính năng hiện đại thì việc xuất hiện lỗi nhiều hơn là chuyện đương nhiên. Việc các hãng xe chủ động phát hiện hoặc thông qua báo cáo của người dùng mà thực hiện việc triệu hồi là trách nhiệm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Trong thời gian qua, việc thông báo triệu hồi tại thị trường Việt Nam còn khá chậm. Thường thì các hãng xe đa quốc gia đã thông báo triệu hồi khá lâu, có khi cả năm sau thì các đại lý trong nước mới thực hiện triệu hồi. Do đó, quy định mới lần này đưa ra những yêu cầu sát sao hơn, chi tiết hơn để theo kịp những diễn biến triệu hồi xe. Theo tôi, đây là sự điều chỉnh cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay".

Ngoài quy định mới về triệu hồi xe, thêm một quy định có hiệu lực trong tháng 10 là quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư 60/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 7/9/2023).

Cụ thể, Thông tư của Bộ Tài chính điều chỉnh tăng mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông ở khu vực 1 (gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh): Xe ô tô (trừ xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống; rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời): mức thu lệ phí 500.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 150.000 - 500.000 đồng/lần/xe).

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up): 20 triệu đồng/lần/xe. Xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời: 200.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 100.000 - 200.000 đồng/lần/xe). Đối với xe mô tô: trị giá đến 15 triệu đồng: 1 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/lần/xe). Xe mô tô trị giá trên 15 - 40 triệu đồng: 2 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 1 - 2 triệu đồng/lần/xe). Xe mô tô trị giá trên 40 triệu đồng: 4 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 2 - 4 triệu đồng/lần/xe). Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/10/2023.

Đối với việc tăng thu phí, đa số các doanh nghiệp vận tải cho rằng: "Việc tăng các loại phí phù hợp theo quy định thì doanh nghiệp sẵn sàng chấp hành, tuy nhiên, đi kèm với đó thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng lên để phục vụ người dân, doanh nghiệp, các đơn vị vận tải tốt hơn. Có như vậy thì có tăng giá người dân cũng hài lòng".

Cũng theo Thông tư 60 có 4 trường hợp được miễn lệ phí đăng ký xe cơ giới bao gồm:

Thứ nhất, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc.

Thứ hai, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài, thành viên các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của gia đình họ không phải là công dân Việt Nam.

Thứ ba, tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ, các đoàn của tổ chức quốc tế, thành viên của cơ quan và tổ chức khác) không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng được miễn nộp hoặc không phải nộp lệ phí cấp chứng nhận đăng ký, biển số phương tiện giao thông theo cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, xe môtô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương