Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

(Banker.vn) Ngành Ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh. Song, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng, bởi vẫn còn tồn tại nhiều rào cản.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam" do Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Standard Chartered tổ chức ngày 4/10, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

“Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bước chuyển mình của ngân hàng xanh tại Việt Nam

Xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Justin Ma, Giám đốc cấp cao Tài chính bền vững khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định và ngày càng tăng trong các khoản phát hành và vay tài chính bền vững ở châu Á và trên toàn cầu.

quang-canh.jpg
Quang cảnh tọa đàm

Thống kê cho thấy, năm 2022, hơn 1,49 nghìn tỷ USD các công cụ nợ bền vững đã được phát hành, nâng tổng khối lượng thị trường bền vững lên hơn 5,4 nghìn tỷ USD. Ông Justin Ma cho biết, trong số 1,49 nghìn tỷ USD, phổ biến nhất (xét về quy mô phát hành) bao gồm: Trái phiếu xanh (38%, 573 tỷ USD); các khoản vay liên kết bền vững - SLL (28%, 423 tỷ); trái phiếu bền vững (10,5%, 157 tỷ USD).

Tương tự như vậy, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là: Trái phiếu xanh (44%, 172 tỷ USD); SLL (21%, 80 tỷ USD); trái phiếu bền vững (9%, 34 tỷ USD).

Còn tại Việt Nam, các diễn giả tham dự cũng cho biết, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian qua, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.

Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

ts.-nguyen-quoc-hung.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, kết quả trên có được nhờ sự quan tâm và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, trong năm 2022, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước rủi ro về môi trường. Theo quy định tại Thông tư 17, chậm nhất ngày 1/6/2023 các TCTD phải hoàn thành việc xây dựng quy định nội bộ để quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

“Có thể nói, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Các tổ chức tín dụng dành nguồn lực lớn cho phát triển ngân hàng xanh

Trước những hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, các TCTD cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh.

Chia sẻ về chiến lược triển khai ngân hàng xanh tại Agribank, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực ESG - Trưởng Ban Định chế tài chính Agribank cho biết, ngân hàng đã và đang xây dựng và hoàn thiện các văn bản định chế, quy định nội bộ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; hoàn thiện chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững hoạt động ngân hàng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, Agribank đẩy mạnh thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành Ngân hàng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động tham gia diễn đàn chung về tài chính xanh của ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phân công nhiệm vụ tới từng đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện...

Còn tại HDBank, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp chia sẻ, ngân hàng chú trọng triển khai chính sách về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cho doanh nghiệp mới thành lập hoặc đã hình thành để khai thác điện mặt trời lớn, áp mái và điện gió; triển khai các chương trình cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân vay để xây lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh và bán điện.

Ngoài ra, HDBank cũng nỗ lực để tăng các hạn mức tín dụng xanh từ các định chế tài chính phát triển (DFIs), tối ưu hóa sử dụng để hỗ trợ tốt nhất doanh nghiệp trong hạn mục tài trợ xanh.

dai-dien-standard-chartered.jpg
Ông Trần Việt An, Giám đốc quản lý rủi ro tín dụng cấp cao, Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Thương mại và Định chế tài chính, Standard Chartered Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm

Về phía Standard Chartered, một trong những ngân hàng đi đầu về chiến lược xanh trên thế giới, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam cho hay, tính bền vững là một trong những ưu tiên chính của Standard Chartered.

“Cam kết của ngân hàng với thị trường Việt Nam là hỗ trợ và thúc đẩy chương trình nghị sự bền vững cũng như giúp các đối tác và liên minh của chúng tôi đạt được chương trình nghị sự bền vững của riêng họ. Cam kết của chúng tôi về tính bền vững cũng phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam”, bà Michele Wee nói.

Ngân hàng Standard Chartered đặt mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu ngành về Phát triển bền vững và đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để đạt được lượng khí thải các-bon ròng từ hoạt động được tài trợ bằng không vào năm 2050, bao gồm các mục tiêu tạm thời vào năm 2030 cho các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon nhất. Cam kết huy động 300 tỷ USD trên toàn cầu cho tài chính xanh và chuyển đổi vào năm 2030.

Cùng với cam kết về tiền tệ, Standard Chartered có những mục tiêu cụ thể: Dừng tài trợ cho các công ty đang mở rộng hoạt động kinh doanh than nhiệt ở cấp độ khách hàng cá nhân; giảm 85% lượng phát thải từ khai thác than nhiệt được tài trợ tuyệt đối vào năm 2030; cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng phụ thuộc <5% vào doanh thu từ than nhiệt vào năm 2030; mục tiêu giảm cường độ các-bon dựa trên doanh thu lần lượt là 63% đối với điện, 33% đối với thép và khai thác mỏ, 30% đối với dầu khí vào năm 2030.

Chia sẻ cụ thể hơn về kinh nghiệm triển khai Thông tư số 17/2022/TT-NHNN tại Standard Chartered Việt Nam, ông Trần Việt An, Giám đốc quản lý rủi ro tín dụng cấp cao, Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Thương mại và Định chế tài chính cho biết, tất cả các khoản cấp tín dụng cho khối khách hàng doanh nghiệp đều được đánh giá về rủi ro môi trường và xã hội trước khi quyết định hạn mức tín dụng; cán bộ phê duyệt tín dụng có thể tham vấn thêm ý kiến chuyên gia về lĩnh vực rủi ro môi trường xã hội của tập đoàn, sẽ phê duyệt mức độ rủi ro môi trường xã hội của khách hàng...

quang-canh-toa-dam.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Dù đã có những bước chuyển mình rõ nét nhưng thực tế việc triển khai tín dụng xanh vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ, khiến sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.

Cụ thể, theo ông Trần Anh Quý, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành Ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các TCTD khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay, trong khi thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

“Song song với đó, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển kênh tài chính xanh khác như thị trường trái phiếu xanh, thị trường các-bon nhằm tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh bên cạnh nguồn vốn tín dụng xanh”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Nhìn nhận từ thực tiễn triển khai tại Agribank, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, số lượng nhân sự đông, trình độ chưa đồng đều là một rào cản. Trong khi đó, quy định tuân thủ chuẩn mực về tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng phức tạp và cạnh tranh ngày càng gay gắt về sản phẩm, dịch vụ, thị trường.

Còn ông Trần Hoài Phương cho biết, đối với các doanh nghiệp mới thành lập, chưa có nhiều thành tựu đáng kể và nhiều khả năng có đòn cân nợ cao. Mặt khác, bên cạnh rủi ro thời tiết, biến động cung cầu, vận hành năng lượng tái tạo là ngành mới. Giá mua điện, khả năng tích trữ và phân phối lại cũng là những vấn đề mà HDBank đang trăn trở.

Trong bối cảnh đó, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, có nhiều chính sách thúc đẩy đối với các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh cũng như hỗ trợ các TCTD trong nước; Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí về tín dụng xanh...

o.-tran-phuong.jpg
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV phát biểu tại tọa đàm.

Trước những vướng mắc, kiến nghị của các TCTD, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành Ngân hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, mà trọng tâm:

Thứ nhất, hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường).

Thứ hai, theo dõi, hướng dẫn các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình TCTD xây dựng quy định nội bộ.

Thứ ba, tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các TCTD trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả.

Thứ tư, đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

dai-bieu-chup-hinh-luu-niem.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục