Tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho ngành gỗ bứt phá

(Banker.vn) Cùng với xúc tiến thương mại, thời gian tới, các doanh nghiệp ngành gỗ cần đầu tư sản phẩm, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh.
Trung tâm logistics - xúc tiến thương mại nội thất sẽ gỡ khó cho ngành gỗ Doanh nghiệp ngành gỗ cần trang bị “phao cứu sinh” trước "làn sóng" điều tra phòng vệ thương mại Sắp diễn ra 2 hội chợ lớn của ngành gỗ

Sớm gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt từ 10 tỷ USD trở lên, ngành gỗ đã trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, ngành gỗ hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chia sẻ tại tọa đàm Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024 do Báo Người lao động tổ chức sáng 3/11, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, đến tháng 10/2023, ngành gỗ xuất khẩu khoảng 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn còn tăng trưởng âm, song đà giảm đã thu hẹp lại.

Theo đó, từ tháng 7 đến nay, tăng trưởng của ngành các tháng sau đều tăng nhanh hơn tháng trước và tháng 10 năm nay đã chạm mốc cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tốt. Theo tính toán, đến cuối năm nay, tăng trưởng vẫn giảm so với năm ngoái, chưa thể có đột phá lớn.

Cũng theo ông Phương, ngành gỗ đã trải qua thời gian tăng trưởng liên tục trong 10-15 năm với mức tăng trưởng mỗi năm đạt 10-15%. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng này, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu đi vào vùng an toàn khi làm xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa, chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Khi đơn hàng hiếm, các doanh nghiệp Việt Nam mới đi xúc tiến song không có mặt hàng mới. Nhưng thế hệ tiếp theo trong ngành gỗ chưa có điểm sáng mới, chưa nhiều, chưa có phong trào lớn.

Tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho ngành gỗ bứt phá
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa)

Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ vẫn còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ khoảng hơn 60%, và doanh nghiệp nước ngoài cũng đến mua nhưng con số tuyệt đối không nhiều, chỉ khoảng 220 doanh nghiệp.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước làm gia công nên không có nhiều sản phẩm để tham gia giới thiệu. Do vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp cần đầu tư sản phẩm, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh.

Về chuyển đổi xanh, theo ông Phương, ngành gỗ đang làm khá tốt khi có một đội ngũ nghiên cứu, làm việc với các doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc nhưng thiếu các chuyên gia về ngành hàng. “Do vậy, chúng tôi đã đi trực tiếp các hội chợ và thấy rằng cần tìm những nhóm chuyên gia biết ngành gỗ trong nước, để tìm ra giải pháp”, ông Phương bày tỏ.

Để tháo gỡ những khó khăn của ngành gỗ, ông Phương cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại giữ vai trò quan trọng. Thực tế, từ năm đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh khó khăn, đơn hàng sụt giảm, Hawa đã đẩy mạnh các công tác hỗ trợ doanh nghiệp thành viên và hiện hội vẫn đang tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến, thương mại... cho doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, để chủ động xúc tiến thị trường, Hawa sẽ cơ cấu tổ chức của mình thành các nhóm ngành, hàng; sẽ hợp tác 5 hiệp hội và chọn mũi nhọn về xúc tiến thương mại, tập trung vào các nhóm ngành hàng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xuất khẩu, không chỉ sản xuất mà các phần mềm, thiết kế hoặc các vấn đề về thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp cùng tham gia.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương