Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19?
Đại dịch Covid-19 đã đem đến những thay đổi lớn trong cuộc sống của chúng ta và một xu hướng đáng chú ý là sự chuyển dịch vượt trội sang thương mại điện tử (TMĐT). Khi đại dịch qua đi, người tiêu dùng (NTD) sẽ quay trở lại nhịp sống hàng ngày của họ cùng với nỗi quan ngại về lây nhiễm trong cộng đồng và họ sẽ duy trì hầu hết những “thói quen bình thường mới” từ những trải nghiệm trong suốt giai đoạn đại dịch. Trong đó, 72% NTD cho rằng họ sẽ mua sắm online nhiều hơn so với tháng trước và 85% NTD cho rằng sẽ vẫn chọn thanh toán điện tử (bằng thẻ hoặc qua các ứng dụng di động) thay vì bằng tiền mặt.
Covid-19 cũng đã đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp (DN), buộc họ phải có những thay đổi nhất định để thích nghi với tình hình mới. Theo Chỉ số Kinh tế số của Adobe, trong hơn hai tháng đầu năm 2020, Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hành vi mua sắm trực tuyến đối với một số loại sản phẩm nhất định.Theo đó, 82% DN nhỏ đã thay đổi cách tiếp cận để duy trì hoạt động kinh doanh của mình kể từ khi Covid-19 lan rộng, bao gồm bắt đầu kinh doanh trực tuyến, chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, quảng cáo trên mạng xã hội hoặc thực hiện số hóa hoạt động kinh doanh như cải thiện hạ tầng hỗ trợ thanh toán.
Theo bà hành vi thanh toán của NTD đã thay đổi như thế nào hậu đại dịch, về các lựa chọn trong tiêu dùng cũng như trong cuộc sống hằng ngày?
NTD đã dần thích ứng với đại dịch và có những phản hồi tích cực khi DN mở rộng kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Đại dịch Covid-19 cũng tạo tiền đề cho NTD làm quen và trải nghiệm TMĐT.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Visa về “Thái độ Thanh toán của Người tiêu dùng” (Khảo sát được Visa ủy quyền, thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2020), từ khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, 44% NTD lần đầu tiên thực hiện hoạt động mua sắm online qua mạng xã hội và 85% NTD thực hiện hành vi mua sắm sản phẩm, dịch vụ qua các trang TMĐT ít nhất 1 lần 1 tuần.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào
Các giao dịch thanh toán không tiền mặt đang dần phổ biến hơn trong đời sống hằng ngày, bao gồm ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR. Thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc là phương thức được ưa chuộng nhất trong việc thanh toán thực phẩm, ăn uống với 67% NTD sử dụng phương thức này trong năm 2020. Thanh toán bằng mã QR cũng gia tăng trong các lĩnh vực thanh toán hóa đơn (71%), bán lẻ (58%) và thanh toán siêu thị (57%). Có thể thấy, những phương thức thanh toán số được đón nhận và ưa thích hơn so với hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
Vậy Visa đã có những hoạt động gì trong việc hỗ trợ kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các DN bứt phá kinh doanh trong thời điểm hậu Covid-19, thưa bà?
Tại Visa, chúng tôi đang nỗ lực để hỗ trợ DN thúc đẩy kinh doanh trực tuyến, cũng như ra mắt các giải pháp giúp các DN giảm thiểu chi phí đầu tư và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Cụ thể là công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động (Tap to Phone) và giải pháp Phê duyệt Nhà bán hàng siêu tốc (RSO).
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Visa cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) và Google cũng như các đối tác khác chính thức công bố chuỗi sự kiện Retail University. Đây là một trong những hoạt động của Visa nhằm trang bị cho DN bán lẻ các công cụ cần thiết để phát triển kinh doanh, tối ưu hoá những nền tảng và công cụ kỹ thuật số.
Ngoài ra, Visa còn mở rộng chương trình Kỹ năng Kinh doanh Thực tiễn, một nền tảng kỹ thuật số cung cấp tài liệu đào tạo miễn phí nhằm hỗ trợ chủ DNVVN đưa ra các quyết định kinh doanh một cách tự tin và sáng suốt hơn.
Visa sẽ không ngừng mang đến cho các doanh nghiệp những giải pháp thanh toán số và vận hành doanh nghiệp tối ưu, làm tiền đề trong hành trình bứt phá kinh doanh của mình nhằm củng cố cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ - loại hình doanh nghiệp chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|