Thống kê từ Vụ Thanh toán cho biết, đến cuối tháng 3/2021 toàn hệ thống có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 272.263 POS và 19.714 ATM (tăng tương ứng 6,06% và 0,85% so với cùng kỳ năm 2020).
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng, cụ thể: 3 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện từ liên ngân hàng đạt 37 triệu món, với giá trị là hơn 31 triệu tỷ đồng (tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với 3 tháng đầu năm năm 2020).
Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng, đạt 482,5 triệu món với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 103,26% về số lượng và 147,65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, cùng với hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng, mở rộng… được xem là những nguyên nhân quan trọng giúp TTKDTM phát triển.
Ông Dũng cho biết thêm, triển khai thực hiện Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020, trong đó có quy định việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ; cũng như nghiên cứu, đề xuất thiết lập quy trình nhận diện và xác minh khách hàng trong môi trường số không cần tương tác hay tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Các ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế…
Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi. Ông Dũng cho biết, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 về Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cho thấy hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ công đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ, như: 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án.
Dù kết quả đạt được là tích cực nhưng để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Dũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế, như:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thành nghị định mới về TTKDTM và các thông tư hướng dẫn triển khai; nghiên cứu, dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án.
Thứ ba, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).
Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Thứ năm, hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.
Thứ sáu, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Thanh Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|