Thanh toán không dùng tiền mặt: tận dụng cơ hội từ… Covid-19

(Banker.vn) Dịch bệnh Covid-19 bên cạnh những ảnh hưởng không nhỏ với kinh tế xã hội song cũng đã tạo cơ hội thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam khiến hoạt động này trở nên sôi động chưa từng thấy.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam được kích hoạt một cách đáng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020 và càng trở nên “bùng nổ” từ đầu năm 2021. Các chuyên gia ghi nhận hiếm khi nào thanh toán không dùng tiền mặt lại có phát triển mạnh mẽ như hiện nay với việc trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt con số rất ấn tượng là đã có trên 800 triệu giao dịch không dùng tiền mặt với lượng trên 8 triệu tỷ đồng. Con số này gấp đôi cùng kỳ năm 2020 về lượng giao dịch và và gấp 2,7 lần tổng giá trị giao dịch.

Cùng đó hàm lượng tiền mặt sử dụng qua ATM giảm dần qua các năm với việc năm 2019 hàm lượng này là 42%, năm 2020 còn 26% và 5 tháng 2021 xuống còn 15%

Từ Nghị quyết số 02 năm 2019, Chính phủ đề ra nhiệm vụ thực hiện giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như là một trọng tâm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, dịch vụ tiện ích.

Sơ bộ rà soát, giai đoạn 2016 đến 2021 Chính phủ đã ban hành 61 văn bản về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm 40 nghị quyết của Chính phủ, 14 quyết định, 7 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Các chuyên gia nhận xét ít có lĩnh vực nào lại được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm như lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt.

Tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn máy POS và hơn 19 nghìn ATM. Đây là những tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Tuy nhiện hiện vẫn còn nhiều cản ngại cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt nhất thiếu cân đối giữa khu vực thành phố và khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong khi đó sự sẵn sàng trong việc kết nối giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ công, dịch vụ tiện ích với ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán đực xem là chưa cao khiến không phát huy được lợi thế sẵn có của các hạ tầng.

Đặc biệt một lĩnh vực được kỳ vọng là đi đầu về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là LĐ-TB&XH lại chậm triển khai. Hạn chế về cơ sở dữ liệu và khả năng trao đổi thông tin với ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán trong khi tâm lý lo ngại sợ mất an toàn trong “quẹt thẻ”, thói quen sử dụng tiền mặt cũng đã khiến nhiều người không mặn mà với hoạt động này.

Để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt được những kỳ vọng đề ra, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong đó xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Cần đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Cùng đó nâng cấp hoàn thiện hệ thống thanh toán bảo đảm an toàn, tiện ích, thân thiện. Đặc biệt thúc đẩy thường xuyên công tác truyền thông nâng cao nhận thức về thanh toán không dùng tiền mặt.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ sở dữ liệu để sẵn sàng kết nối với các ngân hàng và các trung gian thanh toán; khuyến khích doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tiện ích kết nối với các ngân hàng và trung gian thanh toán để người dân và các tổ chức có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Quang Lộc

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương