Thành Thành Công kiếm lời bao nhiêu từ thương vụ mua cổ phần tại Tín Nghĩa?

(Banker.vn) Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về hàng loạt sai phạm tại Công ty CP Tổng Công ty Tín Nghĩa (UpCOM: TID) gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Liên quan đến DN này, một trong những vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm là việc thoái vốn trong quá khứ.

Tìm hiểu cho thấy, quá trình thoái vốn của Công ty Tín Nghĩa gắn liền với Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công và sau khoảng 5 năm là cổ đông lớn của Công ty Tín Nghĩa, Thành Thành Công có cuộc rút lui “yên ả” và bỏ túi hàng trăm tỷ đồng.

Được biết, ngày 1/4/2016, Công ty Tín Nghĩa thực hiện IPO khi bán đấu giá gần 14,9 triệu cổ phần, tương ứng 9,56% vốn điều lệ. Có 30 nhà đầu tư đăng ký mua 30,26 triệu cổ phần của Công ty, hơn gấp 2 lần lượng cổ phần mà doanh nghiệp này chào bán. Trong đó, cá nhân trong nước là 22 nhà đầu tư với số lượng đăng ký mua 15,36 triệu cổ phiếu. Tổ chức trong nước có 2 nhà đầu tư với số lượng đăng ký là 10.000 cổ phiếu. Tổ chức nước ngoài có 4 nhà đầu tư với khối lượng đăng ký là 14,8 triệu cổ phiếu.

Sau đợt thoái vốn trên, Công ty Tín Nghĩa tiếp tục chào bán 35% cổ phần cho không quá 3 đối tác chiến lược với 54,53 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư chiến lược được yêu cầu là doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động 5 năm, tổng tài sản đến cuối năm 2014 là 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ và có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp, từ 2012-2014.

Thành Thành Công kiếm lời bao nhiêu từ thương vụ mua cổ phần tại Tín Nghĩa?

Thành Thành Công thu lợi lớn sau khi thoái vốn tại Công ty Tín Nghĩa

Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành với tiềm lực và quy mô lớn đã thỏa mãn được các điều kiện trên. Theo đó, DN này đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần Công ty Tín Nghĩa. Thỏa thuận giữa các bên cho thương vụ này là sau ít nhất 5 năm, bên mua mới được thoái vốn.

Được biết, thời điểm đó có 3 nhà đầu tư đăng ký mua với tổng khối lượng 90% cổ phần của Công ty Tín Nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình thỏa thuận bán cổ phần, 2/3 nhà đầu tư rút lui nên Thành Thành Công ở thế “một mình một ngựa”.

Sau khi từng bước thoái vốn, tại thời điểm tháng 6/2016, cơ cấu cổ đông của Công ty Tín Nghĩa gồm Tỉnh uỷ Đồng Nai giữ 50%, Thành Thành Công giữ 35%, Dragon Capital nắm gần 8% và cán bộ nhân viên nắm Tín Nghĩa giữ 5,5%.

Khi đó, thương vụ Thành Thành Công mua 35% cổ phần của Công ty Tín Nghĩa là động thái rất đáng chú ý, nhất là khi Tín Nghĩa là một doanh nghiệp lớn của tỉnh Đồng Nai trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản với tổng quỹ đất lên đến trên 3.000ha.

Đó cũng là giai đoạn Công ty Tín Nghĩa giữ vai trò chi phối tại 16 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết hoạt động trong các lĩnh vực khu công nghiệp, bất động sản, xăng dầu, logistics, cà phê. Chính vì vậy, thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nhân Đặng Văn Thành tiến những bước dài trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp.

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Tín Nghĩa, Thành Thành Công đã đưa người của mình vào nắm nhiều vị trí quan trọng tại doan nghiệp này. Ví như các trường hợp: bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Đặng Văn Thành trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tín Nghĩa hay ông Huỳnh Lê Phú Kiệt người từng giữ nhiều vị trí trọng yếu ở Thành Thành Công về ngồi vào ghế Phó tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa.

Được biết, không chỉ là cổ đông chiến lược Công ty Tín Nghĩa, Thành Thành Công còn nâng tầm hợp tác với doanh nghiệp này bằng việc góp vốn thành lập Công ty CP Cà phê Tín Nghĩa với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Tín Nghĩa góp 50% vốn. Tỷ lệ góp của Thành Thành Công là 30% và phần còn lại thuộc về Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận. Tuy nhiên, sự hợp tác này không bền vững khi vào năm 2021, Công ty Tín Nghĩa rút toàn bộ vốn tại DN này.

Thành Thành Công kiếm lời bao nhiêu từ thương vụ mua cổ phần tại Tín Nghĩa?
Cơ cấu cổ đông lớn của Công ty Tín Nghĩa thời điểm tháng 6/2018

Tìm hiểu sâu hơn, năm 2021 cũng là thời điểm đánh dấu đường ai nấy đi cho cuộc hợp tác kéo dài 5 năm. Theo quan sát, thương vụ bán lại cổ phần đã giúp Thành Thành Công thu về khoản tiền lớn.

Trở lại trước đó, thời điểm năm 2018, khi Công ty Tín Nghĩa Corp lên sàn Upcom, tỷ lệ nắm giữ của Thành Thành Công giảm xuống còn 33,6%, nguyên nhân là do Tín Nghĩa tăng vốn từ mức 1.558 tỷ lên 2.000 tỷ đồng vào tháng 7/2018.

Đến tháng 8/2019, Thành Thành Công chỉ còn giữ chưa tới 30% (hơn 59 triệu cổ phiếu). Đây cũng là thời điểm cổ đông chiến lược này bán gần 5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu về mức hơn 27% (54,5 triệu cổ phiếu). Động thái rõ nhất cho cuộc rút lui của Thành Thành Công là tháng 6/2020, bà Huỳnh Bích Ngọc không còn giữ vị trí Phó chủ tịch Tín Nghĩa.

“Ván bài” được hạ màn vào cuối tháng 4/2021 khi doanh nhân Đặng Văn Thành quyết tâm chia tay với Tín Nghĩa bằng việc bán ra toàn bộ 54,53 triệu cổ phiếu TID theo phương thức thoả thuận. Theo một số nguồn tin, đây là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 15.000 đồng/cổ phiếu, thu về gần 818 tỷ đồng. Tổng cộng sau khi thoái sạch vốn, Thành Thành Công đã lời hàng trăm tỷ đồng sau ít năm sở hữu CP TID của Tín Nghĩa .

Kêt thúc phiên giao dịch ngày 26/9/2024 không ghi nhận sự biến đổi giá cổ phiếu của Công ty Tín Nghĩa. Theo đó, trong 3 phiên giao dịch gần nhất, giá cổ phiếu của DN này ở mức trên 24 nghìn đồng/cp, thanh khoản thấp.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Tổng công ty Tín Nghĩa và Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai có văn bản đề xuất, được Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai chấp thuận để tổng công ty thỏa thuận bán 35% cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược trong khi tỷ lệ cổ phần mà 3 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua chiếm 90% vốn điều lệ là không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, quá trình thỏa thuận bán cổ phần, 2/3 nhà đầu tư có văn bản không tiếp tục tham gia là cổ đông chiến lược, nên Tổng công ty Tín Nghĩa đã bán cho Công ty cổ phần đầu tư Thành Thành Công với tỷ lệ cổ phần được phép bán là 35%, giá bán thỏa thuận là 10.200 đồng/cổ phần; điều kiện hạn chế đối với cổ phiếu dành cho nhà đầu tư chiến lược là "chỉ được chuyển nhượng sau 5 năm".

Ngoài ra, Tổng công ty Tín Nghĩa thực hiện bán thêm 7,79 triệu cổ phần cho người lao động không đúng quy định của Chính phủ dẫn đến số cổ phần bán thêm không được đưa ra bán đấu giá, giá trị chênh lệch phải thu hồi về ngân sách của Tỉnh ủy Đồng Nai trên 8,7 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD): Hưởng lợi từ nhu cầu và giá thuê tăng cao

Kết thúc năm 2023 thuận lợi và khả quan so với năm 2022 đầy biến động trước đó, PVD nhập cuộc năm “rồng” với nhiều ...

Doanh thu tài chính vọt tăng, Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) báo lãi đột biến

Kinh doanh khởi sắng, cùng với việc doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt nhờ hợp tác với Công ty CP Dầu khí Đầu ...

Bùi Quý

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục