Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng bộ giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại

(Banker.vn) Nửa cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Khẳng định vị thế đầu tàu 2 tháng đầu năm, thu ngân sách Hà Nội cao hơn TP.Hồ Chí Minh

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 ngành Công Thương, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin: 6 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tăng trưởng GRDP đạt 3,55%, cao hơn 6 tháng cùng kỳ năm 2022 (2,08%) điều này giúp giảm bớt tâm lý e ngại trong những tháng đầu năm 2023. “Kết quả này cũng phù hợp với xu hướng sản xuất, kinh doanh hiện nay của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2023 so với quý I/2023 đã khởi sắc”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc nhận định.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng bộ giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc- Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trực tuyến từ đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh

Riêng đối với ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Công Thương thành phố cho biết cũng đạt nhiều kết quả nổi bật trong nửa đầu năm.

Các chỉ số phát triển của ngành dần được cải thiện, tháng sau cao hơn tháng trước: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 1,9%; doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 9,7%.

Đáng nói, sức tăng trưởng của các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, đặc biệt sau cú sốc dịch Covid-19 đã thể hiện được tính bền vững ở các góc độ, như: Môi trường, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ hàng hoá.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng nhìn nhận: Ngành Công Thương thành phố cũng gặp nhiều thách thức trong nửa đầu năm khiến kết quả đạt được chưa như mong đợi: Xuất khẩu gặp khó do tổng cầu thế giới giảm, số lượng đơn hàng giảm mạnh ở một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp qua một số cửa khẩu giảm 22,4% so với cùng kỳ.

Thị trường trong nước, tổng bán lẻ hàng hoá 6 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, dù vậy sức tiêu thụ chưa thực sự bền vững, có xu hướng tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có giá trị thấp, trong khi người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu.

Công nghiệp, dù IIP quý II/2023 cải thiện đáng kể, tăng 4,6% so với cùng kỳ, nhưng IIP 6 tháng chỉ tăng 1,9% cho thấy sản xuất có phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn.

Với những kết quả trên, cộng hưởng cùng bối cảnh thị trường 6 tháng cuối năm được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, để đạt các chỉ tiêu được giao sẽ rất khó khăn, ngành Công Thương thành phố cũng đã sớm xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ.

Về xuất nhập khẩu, để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và hàng hoá trong nước, tháng 8/2023 Sở Công Thương thành phố sẽ phối hợp tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan nhằm tập trung quảng bá sản phẩm tiêu biểu của thành phố và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các hoạt động chính tại sự kiện gồm: Tham gia trưng bày sản phẩm; kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan…

Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, du lịch gắn với quảng bá sản phẩm chủ lực của thành phố; giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược đưa sản phẩm nội địa ra thị trường thế giới; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thường niên với thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường gần, thị trường ngách; thành lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp xây dựng nền tảng thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm của thành phố với hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Cùng đó, thành phố tập trung triển khai hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước, kết nối tiêu thụ hàng hoá với các địa phương khác trên cả nước và kết nối với các sàn thương mại điện tử…

Về công nghiệp, với các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu từ đó khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, ngành Công Thương thành phố sẽ tập trung vào những ngành hàng đang khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như dệt may, đồ gỗ nội thất…

Cùng đó, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia các sự kiến xúc tiến thương mại trong nước; tổ chức sự kiện xúc tiến thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào công nghiệp hỗ trợ… Tập trung triển khai 3 chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực của thành phố.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương