Thanh long Việt đối diện với nhiều thách thức từ thị trường

(Banker.vn) Trung Quốc là thị trường chính của thanh long Việt Nam. Hiện Trung Quốc sản xuất 1,6 triệu tấn thanh long/năm đang đặt ra thách thức lớn với thanh long Việt.
Xuất khẩu thanh long sang thị trường Anh vẫn theo quy định hiện hành Lý do gì khiến thanh long Việt ‘đi lùi’?

Bình Thuận có diện tích 27.000ha thanh long, sản lượng hơn 600.000 tấn/năm, đứng đầu cả nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thông tin, thanh long của địa phương đã xuất khẩu qua hơn 20 thị trường trên thế giới, trong đó trọng điểm là châu Á với gần 75% về sản lượng và gần 60% về giá trị.

Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Đặc biệt, thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu "Thanh long Bình Thuận” được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon fruit" được đăng ký và đã được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ.

Thanh long được xác định là một trong 14 loại trái cây chủ lực trong “Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030”. Trong nhiều năm liền, sản phẩm này luôn nằm trong Top đầu về giá trị xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chuỗi giá trị ngành hàng thanh long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đã trồng thành công loại quả này. Năm 2021, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm, cao hơn Việt Nam.

Để chuỗi giá trị thanh long Việt Nam phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển ngành hàng thanh long trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, đặc biệt tại 3 tỉnh trồng thanh long trọng điểm gồm Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành hàng thanh long vì thế cần tái tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và khắc phục tình trạng thiếu kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi, bị động trong tiếp cận các thị trường xuất khẩu, dễ bị tổn thương với các rủi ro thị trường, sản suất và bố trí hệ thống logistics đồng bộ, hiệu quả.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) hỗ trợ tham gia Dự án "Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam".

Dự án chú trọng 4 hoạt động chính: Thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; quảng bá, phát triển thương hiệu cho sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận; hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long; kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp.

Đặc biệt, Dự án đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các HTX, doanh nghiệp thanh long. Từ 50ha ban đầu, tỉnh đã mở rộng lên 269ha được theo dõi phát thải carbon. Tính đến cuối tháng 12/2023, khoảng 23.000 tấn thanh long được theo dõi phát thải.

Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết, Bình Thuận mong muốn sản xuất thanh long một cách bền vững và có trách nhiệm, qua đó giúp các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ bền vững.

Để minh bạch từ sản xuất đến chế biến thanh long, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận - cho biết, địa phương đã phát triển thêm phân hệ nhật ký sản xuất theo dõi dấu chân carbon cho sản phẩm. Cụ thể, người tiêu dùng có thể quét mã QR để chứng minh chất lượng và trách nhiệm môi trường của sản phẩm cuối. Đây là điểm sáng tạo, đột phá trong quá trình thực hiện các cam kết về tăng trưởng xanh, giảm phát thải của Bình Thuận.

Dù có sản lượng và diện tích trồng thanh long đứng đầu cả nước, tỉnh Bình Thuận thừa nhận, quy mô sản xuất của hộ dân trên địa bàn còn tương đối nhỏ lẻ, khối lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của thị trường khó tính chưa nhiều. Bên cạnh đó, khâu bảo quản sau thu hoạch và liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững.

Dựa trên kết quả của dự án phối hợp triển khai với UNDP, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị các địa phương trồng thanh long lớn tiếp tục huy động nguồn lực tổng hợp của khu vực tư nhân (nông hộ, HTX, doanh nghiệp), nhà nước và hỗ trợ quốc tế, trong đó ngân sách nhà nước tập trung vào hỗ trợ cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, khuyến nông và thực hiện các chính sách.

"Chúng ta cần chuyển đổi chuỗi giá trị thanh long theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, carbon thấp và bền vững. Muốn vậy, cần lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực và tạo động lực cho sự tham gia của các doanh nghiêp đầu tàu trong quá trình dẫn dắt, chuyển đổi ngành hàng thanh long", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương