Thanh khoản bùng nổ tỷ đô, chứng khoán liệu có tăng bền vững?

(Banker.vn) Trả lời câu hỏi về việc thanh khoản trung bình các phiên giao dịch gần đây ở mức cao, các chuyên gia chứng khoán đã có những nhận định có phần khá tương đồng...

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần 12/6, sàn HOSE có 216 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 8,49 điểm (+0,77%), lên 1.107,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 902,2 triệu đơn vị, giá trị 16.526,78 tỷ đồng, mức thanh khoản được coi là tương đối "khá" tính từ đầu năm 2023 đến nay. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,48 triệu đơn vị, giá trị 1.445,75 tỷ đồng.

Trước đó, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến tuần giao dịch tích cực với tâm điểm phiên 8/6 có đến cả "tỷ đô” đổ vào thị trường. Thêm vào đó, thông tin từ Trung tâm Lưu kí chứng khoán Việt Nam cho thấy trong tháng 5 này, số lượng tài khoản chứng khoán đã tăng gần 105.000 tài khoản và cao gấp gần 5 lần so với tháng Tư.

Được biết, thị trường chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế. Vậy lần này, việc xuất hiện liên tiếp các phiên bùng nổ thanh khoản đột biến có phải tín hiệu cho thấy, nền kinh tế đang ấm dần lên?

Thanh khoản bùng nổ tỷ đô, chứng khoán liệu có tăng bền vững?
Thanh khoản thị trường chứng khoán các phiên giao dịch gần đây đang cho thấy sự tích cực nhất định

Ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc AFA Group

Trong giai đoạn này thị trường tăng là do dòng tiền và yếu tố tâm lí nhiều hơn là yếu tố về nền kinh tế thực. Hiện chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm ba tháng liên tiếp. Một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ được đưa ra trong một khoảng thời gian đủ dài tác động tốt đến tâm lí nhà đầu tư.

Chứng khoán được dự báo tăng trong ngắn hạn. Tôi cho rằng, chưa kì vọng cho sự phát triển bền vững khi mà kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp hiện nay còn đang rất là khó khăn, tiêu dùng trong nước còn yếu.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

VN-Index hiện đang phản ứng với vùng kháng cự quanh đỉnh cũ tháng 1/2023. Điểm đáng chú ý là phiên thứ 4 và thứ 5 thanh khoản rất lớn đặc biệt là phiên ngày thứ 5 (8/6) và tạo nến đỏ, đây là một tín hiệu rủi ro rất quan trọng. Thị trường mấy phiên nay đang diễn biến khá giống vùng đỉnh tháng 1/2023 cả về đường đi của giá và thanh khoản. Từ nhiều yếu tố trên theo tôi thị trường giai đoạn này đang xuất hiện rủi ro điều chỉnh lớn và cần quản trị rủi ro chặt.

Cũng theo các chuyên gia của công ty chứng khoán Yuanta, động lực thúc đẩy kinh tế trong nước đã dần rõ nét hơn khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 3 lần từ giữa tháng 3 tới cuối tháng 5 trước bối cảnh tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt.

Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư công những tháng gần đây là những yếu tố rõ nét tác động tích cực tới nền kinh tế. Với những điểm nhấn trên, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý II sẽ cải thiện nhiều hơn quý I và sẽ tăng trưởng đáng kể hơn trong nửa cuối năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thảo Như - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Một điều kiện cơ bản để thị trường tăng trưởng bền vững chính là khối lượng và giá trị giao dịch phải liên tục tăng. Thanh khoản cao với giá trị giao dịch hơn 15 nghìn tỷ mỗi phiên (tính trên cả 2 sàn) trong 2 tuần qua thực ra lại là tín hiệu tích cực của thị trường.

Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 2/6 lại thể hiện sự phấn khích của nhà đầu tư với mức giá thấp nhất trong phiên vẫn cao hơn mức giá cao nhất của phiên trước đó. Nó tạo ra một “gap” kỹ thuật và thường không phải là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Áp lực chốt lời vào cuối tuần qua có vẻ vẫn chưa đủ để làm tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh hơn. Như vậy, theo tôi áp lực chốt lời vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và tốc độ sẽ xảy ra nhanh hơn nếu có những thông tin thiếu tích cực trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi cũng đồng quan điểm về tín hiệu rủi ro điều chỉnh sẽ xuất hiện khi thị trường đã trải qua một đợt tăng điểm mạnh mà thanh khoản vụt tăng cao. Tuy nhiên, để nhận biết được rằng nhịp điều chỉnh chỉ mang tính lành mạnh hay dấu hiệu xuất hiện rủi ro đảo chiều xu hướng, thì chúng ta cần quan sát sự dịch chuyển của các lớp cổ phiếu trong quá trình tạo thanh khoản.

Trong trường hợp thanh khoản tăng cao sau một giai đoạn đi lên mạnh, là bởi sự dịch chuyển dòng tiền từ nhóm có chất lượng cao sang nhóm đầu cơ thì đây thường là một tín hiệu nguy hiểm và có thể là tín hiệu cảnh báo thị trường đang đi tới điểm cực hạn, dễ đảo chiều.

Nhưng, trong trường hợp thanh khoản tăng cao sau một giai đoạn đi lên, là bởi sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu chất lượng thấp sang nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt, thì sự điều chỉnh nếu có xảy ra có thể chỉ là một nhịp điều chỉnh lành mạnh.

Với bối cảnh hiện tại, dòng tiền đang dịch chuyển sang các cổ phiếu bluechips, tôi đánh giá rủi ro điều chỉnh của thị trường đang ở mức thấp. Đồng thời, nếu nhịp điều chỉnh xảy ra thì chỉ là nhịp điều chỉnh lành mạnh, và cơ hội để thị trường giữ được xu hướng phục hồi vẫn đang khá lớn.

Không công bố thông tin, nhiều doanh nghiệp bị UBCKNN xử phạt

Vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành 3 quyết định xử phạt doanh nghiệp do vi phạm quy định về công ...

Chứng khoán phiên chiều 12/6: Liên tục "quay xe", VN-Index đầu tuần thuận lợi

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/6 chứng kiến việc chỉ số chính liên tục đảo, tuy nhiên VN-Index kết phiên ...

Khối ngoại "nhẹ tay" mua ròng phiên 12/6, chứng chỉ quỹ FUEVFVND được gom mạnh

Phiên giao dịch ngày 12/6, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ hơn 80 tỷ đồng, trong đó tập trung gom mạnh chứng chỉ quỹ ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán