Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp 'khát vốn'
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra vào sáng 21/3 vừa qua nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn do khát vốn và không có nguồn vốn để trả nợ hoặc đầu tư kinh doanh.
Theo các chủ doanh nghiệp họ khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng do không có nguồn tiền gửi để cho vay, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay.... trong khi lãi suất cao, thủ tục phức tạp…
Cụ thể ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị cho rằng, lãi suất ngân hàng đang ở mức 9-10% là quá cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Mạnh nêu quan điểm, doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam hầu như đều phải đi vay để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, nhưng với mức lãi suất cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không dám nghĩ đến chuyện đi vay. Vì vậy, ông Mạnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có những giải pháp giảm lãi suất, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Tương tự, ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng mặt bằng lãi suất kinh doanh với doanh nghiệp du lịch đang cao. Không chỉ đề xuất điều chỉnh giảm lãi suất, ông Tâm mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch sớm tiếp cận, đảo nợ vay ngân hàng... để đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Về phía các doanh nghiệp bất động sản, bà Mai Thị Thắm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Bắc cho rằng: "Việc nhà nước thắt chặt chặt các khoản vay làm cho các doanh nghiệp không đủ nguồn vốn để xây dựng. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới nhà nước có cơ chế tháo gỡ khó khăn nêu trên".
"Ngân hàng nên căn cứ hiện trạng để định giá tài sản thế chấp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay sớm, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động", ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.
Ông Hồ Hữu Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, taxi Thanh Hóa đề nghị ngành ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất để các doanh nghiệp vận tải taxi nói riêng và doanh nghiệp hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung giảm bớt khó khăn, gánh nặng về chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh…
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế thì những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, bên cạnh việc các doanh nghiệp bị thiếu hụt các đơn hàng và nguồn nguyên liệu do mới trải qua đại dịch Covid-19 thì có đến khoảng trên 50% doanh nghiệp thiếu hụt nguốn vốn và dòng tiền kinh doanh.
Nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Thêm nữa cùng thời điểm trên các ngân hàng đồng loạt xiết tín dụng và kiểm soát chặt vốn vay cho lĩnh vực bất động sản là mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà của cả giới đầu tư và người có nhu cầu thực.
Trong khi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Điều này khiến các doanh nghiệp dễ dàng gặp rủi ro hơn liên quan đến nguồn vốn, dòng tiền kinh doanh.
Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng |
Cần linh hoạt huy động vốn từ nhiều kênh
Cấu trúc thị trường vốn của Việt Nam cũng đã được định hình rõ rệt với hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung – dài hạn nhằm tạo kênh dẫn vốn hữu hiệu cho chính phủ, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay khi đại dịch Covid-19 mới đi qua, thị trường vốn càng trở nên khó khăn hơn.
Trên thực tế các doanh nghiệp hiện nay vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó thị trường tín dụng đang bị quá tải do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Không những thế, trên thực tế tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn rất hạn chế, để đảm bảo có nguồn vốn đáp ứng thị trường, các ngân hàng buộc phải đi vay nguồn vốn ngắn hạn (chủ yếu huy động tiền gửi trong dân).
Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nguy cơ ở phía doanh nghiệp là phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp; mặt khác việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.
Ở các quốc gia phát triển, thị trường chứng khoán được đánh giá là giải pháp huy động vốn mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Do đó, để để hâm nóng thị trường bất động sản (BĐS) lẫn thị trường tài chính các chủ doanh nghiệp cũng phải xác định cho mình kênh huy động vốn tối ưu nhất. Có thể chủ động tiếp cận dòng tiền từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu để tự cứu lấy mình là rất cần thiết.
Thiên Minh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|