Thanh Hóa: Hàng trăm doanh nghiệp vi phạm Luật đất đai

(Banker.vn) Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa vừa công bố danh sách 109 trường hợp, dự án vi phạm Luật đất đai phải đăng công khai và 12 trường hợp, dự án đăng công khai vi phạm pháp Luật đất đai đã khắc phục vi phạm.
Thanh Hóa có 109 dự án vi phạm Luật đất đai phải đăng công khai
Thanh Hóa có 109 dự án vi phạm Luật Đất đai phải đăng công khai

Cụ thể, 109 dự án vi phạm Luật Đất đai phải đăng công khai đều được giao đất từ vài nghìn m2 tới hàng trăm nghìn m2 trải khắp các địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, những khu vực phát triển mạnh về đô thị nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch như TP. Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn tập trung một số dự án quy mô chiếm đất lớn gặp vấn đề.

Vi phạm chủ yếu của các trường hợp này là: từ khi giao đất thực hiện dự án nhưng không sử dụng đất hoặc các dự án chậm tiến độ đầu tư vi phạm Điều 64 Luật Đất đai.

Điển hình một số như: Công ty TNHH Thương mại Bắc Thành (Khu du lịch sinh thái, câu cá, cối giã gạo bằng nước tại Tp. Thanh Hóa, diện tích khoảng 2,7ha), Công ty CP Du lịch Kim Quy (dự án phía Bắc hồ Kim Quy, Khu du lịch Hàm Rồng, khoảng 2,2ha), Công ty CP Tập đoàn miền Núi (gần 2,4ha đất ở 3 dự án khác nhau, đều chậm tiến độ), Công ty TNHH Trung Nam (khu dịch vụ tổng hợp nhà hàng, khách sạn Trung Nam khoảng 1,3ha tại Nghi Sơn).

Ở mảng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ghi nhận một số trường hợp mắc vi phạm chậm tiến độ đáng chú ý gồm: Công ty CP Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa (Dự án Nhà công vụ phục vụ vận hành và mở rộng Cảng Nghi Sơn), Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Viết Hoa (Nhà máy sản xuất thép 1 ly, sản xuất gia công hàng cơ khí, thiết bị máy móc, các hoạt động dịch vụ phục vụ KCN và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn), Công ty CP Hóa chất Gama Thanh Hóa (xây dựng bến cảng số 6 - Cảng tổng hợp Nghi Sơn)…

So cùng thời điểm năm 2022, số lượng dự án vi phạm Luật Đất đai được công bố tại Thanh Hóa là 67 trường hợp. Đồng thời, đa phần danh tính chủ đầu tư/dự án dính lỗi chậm tiến độ đều lặp lại ở thời điểm hiện tại như: Công ty CP Du lịch Kim Quy, Công ty CP Tập đoàn Miền Núi, Công ty CP HTQ Việt Nam…

Trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành của đưa ra “tối hậu thư” đối với các doanh nghiệp “ôm” đất rồi bỏ hoang, hoặc chậm tiến độ gây ra lãng phí tài nguyên đất đai và bức xúc trong dư luận.

Có thể kể đế như Đà Nẵng, theo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT thành phố, trong 210 trường hợp dự án sử dụng đất trên địa bàn, đã xác định 93 trường hợp đất phải gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng và 56 dự án đang tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ví dụ khu đất rộng vài ngàn m2 nằm góc ngã Tư đường Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh, trước mặt Sân bay Quốc tế Đà Nẵng (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) bị bỏ hoang hơn 20 năm nay, cỏ mọc um tùm, gây nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị, làm nhiều người dân bức xúc.

Trước đó, khu đất này được quy hoạch xây dựng khu thương mại, dịch vụ và cho thuê văn phòng; nhưng gần đây phía sau khu đất đang xây dựng một tòa nhà cao 12 tầng, còn lại làm bãi cho thuê đỗ xe ô tô và bao hàng rào tôn bên ngoài dán thương hiệu của một ngân hàng lớn.

Tương tự, khu đất vàng cả ngàn m2 nằm 3 mặt tiền đường Hùng Vương - Lê Lợi - Nguyễn Thị Minh Khai do Công ty CP Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư; đã dừng thi công các hạng mục công trình nhiều năm nay rồi quây tôn xung quanh và để đó…

Hay như UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về kết quả kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.

Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2022, trên địa tỉnh Đồng Nai có 65 dự án, công trình với tổng diện tích hơn 2.319ha vi phạm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng. UBND tỉnh Đồng Nai đã gia hạn tiến độ sử dụng đất cho 42 dự án với tổng diện tích hơn 539 ha, đang theo dõi và xử lý 22 dự án.

Tỉnh quyết định thu hồi 10 dự án treo hơn 10 năm với tổng diện tích gần 24ha. Trong đó có 5 dự án dù đã được gia hạn nhưng khi hết thời gian gia hạn vẫn không triển khai.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán