Thanh Hóa: Điều chỉnh quy hoạch đô thị ven biển Diêm Phố

(Banker.vn) Tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị ven biển (Diêm Phố), huyện Hậu Lộc đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 2.504 ha (bao gồm toàn bộ diện tích xã Ngư Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc) và nghiên cứu thêm khoảng 250 ha diện tích mặt nước biển.

Đô thị ven biển (Diêm Phố), được quy hoạch theo Quyết định số 1828/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 30/5/2016.

Khu đô thị là đô thị loại V, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội với chức năng phát triển kinh tế biển, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 70.000 người.

Thanh Hóa: Điều chỉnh quy hoạch đô thị ven biển Diêm Phố
Quyết định số 1828/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 30/5/2016 phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Diêm Phố, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Nội dung đồ án Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị Ven Biển (Diêm Phố), huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, trong đó cần phân tích và làm rõ cơ sở hình thành phát triển của đô thị; nghiên cứu về mô hình, cấu trúc phát triển không gian; định hướng kiến trúc, cảnh quan môi trường phù hợp với tính chất, chức năng của đô thị; xác định các giai đoạn 4 phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển đô thị mới và mô hình quản lý phát triển đô thị.

Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế-xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị. Dự kiến sử dụng đất của đô thị theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các dự án trong quy hoạch đến việc tiêu úng cho huyện Hậu Lộc trong tình hình thời tiết ngày càng cực đoan hiện nay.

Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm: Đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất phát triển đô thị: đánh giá về địa hình, các tai biến địa chất, xác định khu vực cấm xây dựng, hạn chế xây dựng; xác định lưu vực và phân lưu vực tiêu thoát nước chính; hướng thoát nước, vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước; xác định cốt xây dựng cho đô thị và từng khu vực.

Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông như: cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga đường sắt, bến xe đối ngoại; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính đô thị và hệ thống hào, tuy nen kỹ thuật.

Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước, năng lượng; tổng lượng nước thải, rác thải; vị trí, quy mô công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối chính của hệ thống cấp nước, năng lượng và chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, thoát nước và công trình xử lý nước thải; vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và các công trình khác.

Giải pháp hệ thống công trình bảo vệ cũng như quy mô kết cấu đối với các hạng mục công trình trong quy hoạch phù hợp để đảm bảo ổn định, an toàn trong quá trình thi công và khai thác sử dụng (do khu vực quy hoạch dự án có phần cửa sông, bãi biển thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió, bão, nước biển dâng).

Lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào nội dung của quy hoạch quy định tại Điều 16 Luật Phòng chống thiên tai trong đó chú trọng giải pháp phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ biển, cảnh báo nước dâng, sóng thần.

Hoa Vinh

Theo: Báo Công Thương