Thanh Hóa - điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI

(Banker.vn) Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những chủ trương lớn được Chính phủ đề ra nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước. Trong đó, Thanh Hóa là điểm sáng về thu hút đầu tư với hơn 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, lũy kế tới quý III/2023, có 150 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những thành tựu nổi bật sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19

Lợi nhuận quý III chênh lệch hơn 10%, Bia Hà Nội - Thanh Hóa nói gì?

Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa tìm kiếm cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại Thái Lan

Điều kiện tự nhiên giúp Thanh Hóa dễ dàng đón dòng vốn chất lượng cao

Nằm ở cực Bắc Trung Bộ, cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ và là vùng Tây Bắc nối dài, điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây - Tây Bắc và Đông Bắc Lào; Thanh Hóa là vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và cả nước. Tỉnh có quy mô diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, với trên 11.120 km2, quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước, với trên 3,64 triệu người. Thanh Hóa là một trong số ít địa phương trong cả nước hội tụ đủ 03 vùng địa lý (miền núi, đồng bằng và ven biển), có hệ thống giao thông thuận lợi, gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua. Tỉnh có Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 08 khu công nghiệp, vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Thanh Hóa những điểm nhấn ấn tượng về thu hút đầu tư
Các doanh nghiệp FDI tập chung chủ yếu tại Khu kinh tế Nghi Sơn

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, Thanh Hóa còn có lực lượng lao động dồi dào, môi trường thông thoáng với nhiều ưu đãi từ các chính sách đặc thù. Vì vậy, Thanh Hóa là điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư, thu hút ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư nguồn lực lớn vào đây.

Xác định rõ kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Thanh Hóa đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và các tỉnh lân cận khi hoàn thành đưa vào khái thác sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển. Trong đó, có thể kể đến như đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối hai tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa; đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; tuyến đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; đường giao thông ven biển nối TP Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn; Dự án Đại lộ Đông – Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) đến Quốc lộ 1A...

Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ, nước bạn Lào; phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế, là cơ sở cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết và tiên quyết cho thu hút đầu tư vào Tnanh Hóa. Đồng thời góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thanh Hóa - điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI
Từ đầu năm đến 13/9/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 53 dự án đầu tư trực tiếp

Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng Cảng Hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Thọ Xuân đã được Bộ GTVT phê duyệt, như hỗ trợ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, xây dựng nhà ga hàng hóa công suất 27.000 tấn/năm, mở rộng sân đỗ tàu bay lên 7 vị trí; công trình dịch vụ kỹ thuật, thương mại hàng không và mua sắm trang thiết bị khai thác đáp ứng công suất khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm, đủ điều kiện công bố cảng hàng không quốc tế theo quy định.

Song song với đó là phát triển hệ thống cảng biển, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư 57 cầu cảng và khu neo đậu, bến phao. Hoàn thành nạo vét luồng dùng chung Nam Nghi Sơn, luồng nhánh vào từ bến số 4 vào Cảng Gang thép Nghi Sơn, chuyển đổi luồng vào bến Nhà máy Xi măng Nghi Sơn khu Bắc Nghi Sơn thành luồng dùng chung... Đầu tư xây dựng khu bến đảo Hòn Mê gồm 6 khu neo đậu chuyền tải và 1 bến phao, tiếp nhận tàu lỏng/khí trọng tải đến 400.000 DWT, tàu hàng rời đến 210.000 DWT, đáp ứng lượng hàng thông qua khoảng 10 triệu tấn/năm. Bến cảng Lễ Môn đến năm 2025 đáp ứng lượng hàng hóa thông 300 nghìn tấn/năm; đồng thời, nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng Lạch Sung bảo đảm tiếp nhận cỡ tàu từ 3.000 DWT trở lên.

Thanh Hóa còn có một vị trí địa lý đặc biệt được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, đó là: đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển, với nguồn tài nguyên phong phú về đất, rừng, biển, cùng với thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hoá tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, như lúa, mía đường, cao su, luồng, các loại gỗ, các sản phẩm thuỷ sản…

Bên cạnh đó còn có nhiều tài nguyên khoáng sản, trong đó một số loại có trữ lượng lớn so với cả nước như đá granit và marble (trữ lượng 2 - 3 tỷ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (khoảng 85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn) và nhiều loại tài nguyên khác, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp lọc hoá dầu và sau lọc hoá dầu...

Ngoài ra, Thanh Hóa là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn giữ được nhiều di tích có giá trị, như di chỉ văn hóa núi Đọ từ thời đồ đá cũ, Đền Bà Triệu, Khu di tích Lam Kinh; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo như bãi biển Sầm Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ...

Thanh Hóa những điểm nhấn ấn tượng về thu hút đầu tư

Thanh Hóa đứng thứ 8 của cả nước về thu hút FDI (ảnh minh họa)

Những điểm nhấn ấn tượng trong thu hút đầu tư

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, lũy kế tới quý III/2023, có 150 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapo, Canada, Đức, Anh, Bỉ, Hungary, Australia...) là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn Thanh Hóa. Có 17 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tới 86% số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Với số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỉ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến 13/9/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 53 dự án đầu tư trực tiếp, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, có 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký đầu tư khoảng 12.044 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 187,4 triệu USD (gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2022); mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với 03 Công ty, với tổng vốn góp là 213.190 triệu đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 05 dự án, với số vốn tăng 61,9 triệu USD.

Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng), dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (1.098,5 tỷ đồng); dự án Nhà máy Nghi Sơn Global (860 tỷ đồng), dự án Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, Bá Thước (320 tỷ đồng), dự án Nhà máy Green Leader Việt Nam (30 triệu USD).

Để đạt được kết qủa trên, các hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai tích cực như: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Thanh Hóa sang thăm, làm việc và chúc Tết cổ truyền Bunpimay tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggido, Hàn Quốc, Tập đoàn WHA (Thái Lan), Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản; Đoàn công tác của Tổng Công ty LH, Hàn Quốc; làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng ADB về Dự án biến đổi khí hậu của tỉnh Thanh Hóa; làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH về phát triển dự án Nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân; làm việc với Đoàn công tác của Công ty TNHH Năng lượng JERA Việt Nam về phát triển dự án điện LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tiếp và làm việc với Công ty CP giáo dục FPT về đầu tư tổ hợp giáo dục, nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao tại Thanh Hóa; tiếp xã giao Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Đoàn công tác Đại sứ quán Israel, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Idemitsu Kosan; thăm Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Cần Thơ; làm việc với Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Việt Nam thuộc Tập đoàn Everbright Environment; tổ chức hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa; đưa đoàn đại biểu là các doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát thực địa tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; tổ chức kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; tiếp và làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thanh Hóa những điểm nhấn ấn tượng về thu hút đầu tư
Hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản năm 2023

Phát biểu tại Hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề “Thanh Hoá – Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững” được tổ chức vào chiều 6/5/2023, ngài Yamada Takio Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã nhấn mạnh lý do các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư là vì địa phương có nguồn lao động dồi dào, kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển. Ngoài ra, Thanh Hóa có khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp được quy hoạch bài bản khoa học, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm khi đến đây đầu tư.

Ngài Yamada Takio cũng đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch thời gian qua. Chia sẻ về kế hoạch đầu tư sắp tới của các đối tác Nhật Bản, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, bằng việc triển khai một số dự án lớn.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 và tình hình suy thoái chung của thể giới nhưng các doanh nghiệp (FDI) trên địa bàn tỉnh vẫn có kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư sản xuất. Đây là một trong những tín hiệu phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế của cả nước trong thời gian tới đây.

Kiều Vượng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục