Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng: Phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng Sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, không để tình trạng phát triển "nóng" diện tích trồng |
Thu tiền kỷ lục
Những ngày cuối năm 2022, nhà vườn sầu riêng ở miền Tây hối hả cắt trái bán. Giá sầu Ri6, khổ qua xanh, chuồng bò được thu mua ở mức trên 80.000 đồng/kg, sầu Monthong 95.000-100.000 đồng/kg. Còn sầu riêng loại 2 và 3 cũng được thu mua ở 50.000 đồng/kg.
"Trung Quốc 'ăn hàng', nhu cầu tại thị trường nội địa cũng tăng nên giá sầu riêng tại vườn tăng từng ngày", anh Mạnh Khương - chủ vựa thu mua sầu riêng tại Cần Thơ cho hay.
Đề cập tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này có tháng tăng tới hơn 4.100%. Một ngày, xe sầu xuất khẩu nhiều không đếm xuể.
Giữa tháng 9/2022, lô sầu riêng 100 tấn của nhà vườn ở Đắk Lắk được xuất khẩu chính thức sang thị trường Trung Quốc. Đây là chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồi tháng 7/2022.
Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng kỷ lục (Ảnh: Tâm An) |
Trả lời kênh CCTV13 của Đài TH Trung ương Trung Quốc ngày 21/9, ông Lâm Long Đức - Tổng giám đốc Công ty TNHH chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc) - nói: "Từ phía Việt Nam đưa sầu riêng sang cửa khẩu Hữu Nghị chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Trái sầu riêng giữ được độ tươi ngon. Người tiêu dùng Trung Quốc từ nay sẽ được ăn sầu riêng ngon với giá cạnh tranh".
Ngay sau khi tiếp cận chuyến sầu riêng đầu tiên, ông Đức cho biết, doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch thu mua 1 triệu trái sầu riêng của Việt Nam, sau đó mở rộng quy mô, cùng với các doanh nghiệp Việt đầu tư vào các vùng trồng và xây dựng nhà máy chế biến.
Các chuyến sầu riêng ở Lâm Đồng, miền Tây,... nối tiếp nhau lên đường sang Trung Quốc. Doanh nghiệp nhận được những đơn sầu riêng lớn từ các nhà nhập khẩu nước này.
Đơn cử, Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn nhận được đơn đặt hàng 500.000 tấn sầu riêng. Còn Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát tiết lộ, mỗi tháng đều đặn xuất 1.000 tấn theo đơn đặt hàng của đối tác.
Tại một diễn đàn trái cây mới đây, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) - muốn từ nay đến Tết Nguyên đán nhập khoảng 1.500 container sầu riêng của Việt Nam để phục vụ thị trường.
Tương tự, bà Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, thông tin, hội doanh nghiệp đã đàm phán thành công lấy được đơn hàng 10.000 tấn sầu riêng từ một nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc.
Theo thống kê, chỉ trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng 4.120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.
Đáng chú ý, trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc ở mức 90,7 triệu USD. Tức là, Việt Nam trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường tỷ dân trong tháng 10.
Tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022.
Sẽ thành trái cây tỷ USD
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng, đây mới là khởi đầu của trái sầu riêng khi xuất sang Trung Quốc. Năm 2023 là giai đoạn tăng tốc của sản phẩm này, doanh thu dự kiến tăng gấp đôi. Nhiều nhà nhập khẩu đã đặt những đơn hàng lớn, vượt khả năng cung cấp của doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Mỗi năm quốc gia này chi vài tỷ USD để nhập khẩu trái sầu riêng. Từ tháng 9/2022 đến nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc tăng kỷ lục.
Chuyên gia dự báo năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt kim ngạch 1 tỷ USD (Ảnh: Tâm An) |
"Đơn đặt mua sầu riêng cho Tết của các nhà nhập khẩu rất nhiều. Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc ước đạt 300 triệu USD", ông cho hay.
Theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu Thái Lan. Ví như, sầu riêng Thái tuy trồng tập trung thành vùng lớn nhưng chỉ có theo mùa; còn ở nước ta có nhiều vùng trồng khác nhau, thời gian thu hoạch lệch nhau nên có hàng xuất khẩu quanh năm.
Quãng đường vận chuyển sầu từ nước ta sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, đảm bảo sầu tươi ngon, trong khi sầu từ Thái Lan vận chuyển đi mất khoảng 10 ngày. Chưa kể, giá cước vận chuyển tính vào giá thành sầu của Việt Nam rẻ hơn so với Thái Lan. Đây là những lợi thế khiến sầu riêng Việt tự tin cạnh tranh với sầu Thái trên đất Trung Quốc.
"Sản lượng sầu riêng tại Việt Nam hiện lên tới trên 1 triệu tấn. Nếu chúng ta làm tốt khâu vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng ổn định thì năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này có thể thu về hơn 1 tỷ USD", ông Nguyên khẳng định.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), giá sầu riêng tăng gấp 3 lần từ khi có nghị định thư, tạo thêm thu nhập cho người nông dân.
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu của nghị định thư và được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang nước này.
Tính tới nay, Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Cục Bảo vệ thực vật dự báo con số đó sẽ tiếp tục tăng, bởi 300 mã khác đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện thủ tục, chờ cấp phép.
Việc được cấp thêm mã số sẽ giúp sầu riêng Việt rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân về việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Từ đó, ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sầu riêng, hướng tới xuất khẩu bền vững.
vietnamnet.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|