Tháng 9/2023, Việt Nam bán gạo cho thị trường nào nhiều nhất?

(Banker.vn) Tháng 9/2023, Indonesia đã chi ra 101,4 triệu USD để mua hơn 166 nghìn tấn gạo và trở thành thị trường mua gạo nhiều nhất của Việt Nam.
Bỏ trần giá nội địa: Philippines có tăng nhập khẩu gạo? Năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ mang về 5 tỷ USD Indonesia cần thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam

Tháng 9, điểm tên thị trường Indonesia

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 605,4 nghìn tấn gạo, thu về 377,9 triệu USD, tăng nhẹ 3,8% về lượng nhưng lại tăng mạnh 37,3% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.

xuất khẩu gạo
Tháng 9/2023, Việt Nam bán gạo cho thị trường nào nhiều nhất?

Trong tháng 9/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 166 nghìn tấn gạo sang thị trường Indonesia, đạt 101,4 triệu USD, gấp 53 lần so với tháng 9/2022. Trong khi, giá trị xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc lần lượt là 62,7 triệu USD và 43,7 triệu USD. Như vậy, Indonesia chính thức vượt qua Philippines và Trung Quốc, trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 9 vừa qua.

Đáng chú ý, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công Thương) vừa thông tin, ông Arief Prasetyo Adi - Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia đã xác nhận với báo giới về việc Indonesia chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung cấp chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo trong thời gian tới.

Ngày 10/10, ông Mokhamad Suyamto - Giám đốc chuỗi cung ứng và các dịch vụ công thuộc Cơ quan hậu cần Indonesia (Preum Bulog) cũng khẳng định Preum Bulog sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan.

Tất cả giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các Cơ quan hữu quan Indonesia ban hành, việc nhập khẩu sẽ được thực hiện từ cuối tháng 10.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 8/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố lượng gạo thu hoạch trong 6 tháng cuối năm 2023 không đủ để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước. Do đó, Chính phủ nước này cần thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ tới cuối năm 2023.

Indonesia phải tăng nhập khẩu gạo do sản xuất nông nghiệp nước này bị ảnh hưởng mạnh của hiện tượng El Nino, cũng như Chính phủ cần thêm gạo để bình ổn giá gạo thị trường.

Cơ quan Lương thực Indonesia (Bulog) thông tin tính đến ngày 22/9, lượng gạo hiện có trong kho của cơ quan này còn hơn 1,7 triệu tấn, trong đó có 1,65 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia và gần 64.000 tấn gạo thương mại.

Giá gạo tại Indonesia tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Riêng trong ngày 8/10, giá gạo bán lẻ là 13.200 Rp/kg (1 USD = 15.400 Rp) đối với gạo phẩm cấp trung bình; 14,920 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao.

Trong khi đó, giá gạo bán lẻ cao nhất theo quy định của Chính phủ Indonesia là 10.900-11.800 Rp/kg đối với gạo phẩm cấp trung bình và 13.900-14.800 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao.

Lạm phát giá gạo Indonesia trong tháng 9 đã tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất từ năm 2014. Trong đó, giá gạo tháng 9 tăng 5,6% so với tháng 8 và đạt mức cao nhất từ tháng 2/2018.

Để tận dụng tối đa cơ hội này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện hướng dẫn của Bộ Công Thương về xuất khẩu khẩu gạo sang thị trường Indonesia.

Cụ thể, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần theo dõi sát tình hình thị trường và đánh giá cơ hội, rủi ro để xây dựng phương án giao dịch. Việc ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và lợi ích cho nông dân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Cơ hội thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất sáng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, giá trị đạt 3,54 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về giá trị.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 495,8 triệu USD, tăng mạnh 55,2%.

Xếp thứ 3 là Indonesia khi giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 462,6 triệu USD, tăng 1.796% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ và Chile có mức tăng đột biến, lần lượt là 10.608% và 2.291%.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta trong 9 tháng năm 2023 đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.

Các doanh nghiệp trong ngành nhận định, thị trường gạo xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn rất sáng. Theo đó, bên cạnh thị trường Indonesia, tại thị trường Philippines - quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất - đã tăng mua trở lại sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc được nhận định sẽ tăng mua các loại gạo nếp để phục vụ cho nhu cầu lễ Tết cuối năm.

Với giá xuất khẩu khoảng 580 – 600 USD/tấn, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) - nhận định, xuất khẩu gạo năm 2023 dự kiến sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD. Con số này cao hơn khá nhiều so với những năm trước.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do tăng diện tích lúa Thu Đông nên năm nay nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Như vậy, 3 tháng còn lại của năm 2023, nước ta còn khoảng 1,38 triệu tấn gạo các loại để xuất khẩu.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương