Tháng 6 âm lịch có sự kiện, lễ hội gì đặc biệt?

(Banker.vn) Tháng 6 không chỉ là thời điểm để chào đón mùa hè rực rỡ, mà còn là thời gian để mọi người khám phá và tận hưởng những sự kiện, lễ hội độc đáo.
Công nhận lễ hội đền Lục Giáp thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Trực tiếp Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng tối 29/6 Đà Nẵng: Sôi nổi đêm Khai mạc Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản năm 2024

Các sự kiện và lễ hội dân gian Việt Nam không chỉ là sợi dây gắn kết cộng đồng, mà qua thời gian, nó đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc.

Vậy tháng 6 có bao nhiêu ngày lễ truyền thống quan trọng? Dưới đây là một số sự kiệnlễ hội đặc sắc trong tháng 6 âm lịch.

Ngày 30/5 - 6/6 (tức ngày 5/7- 11/7 dương lịch) : Lễ hội Đình Trà Cổ - Quảng Ninh

Trong các lễ hội ở Việt Nam, lễ hội Đình Trà Cổ - Quảng Ninh được diễn ra hàng năm từ ngày 30/5 đến 6/6 âm lịch, tại làng Trà Cổ, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Lễ hội là dịp để tưởng nhớ các vị có công khai phá, lập làng Trà Cổ từ xa xưa, hay còn gọi là Thành Hoàng Làng – Tiên Tổ. Theo tín ngưỡng của người Trà Cổ, “Ông Voi” được coi là linh vật của thần linh. Lễ hội có nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ rước thần trên biển, lễ cúng tế, diễu hành, thi “Ông Voi” (cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc), thi kéo co, thi bắn súng lục…

Lễ hội Đình Trà Cổ, Quảng Ninh 30/5 – 6/6, mang đậm nét đặc trưng của người dân ven biển. Ảnh Báo Quảng Ninh
Lễ hội Đình Trà Cổ, Quảng Ninh 30/5 – 6/6, mang đậm nét đặc trưng của người dân ven biển. Ảnh Báo Quảng Ninh

Đình Trà Cổ tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Theo những ghi chép cũ, đình Trà Cổ được hình thành từ thời Hậu Lê. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn sừng sững, hiên ngang như một cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa Việt nơi biên ải. Hiện đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…

Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi”. Nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái.

Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được thăm khám đầy đủ và chăm sóc, nâng niu, trân trọng.

Ngày 10/6 (tức ngày 15/7 dương lịch): Hội kéo ngựa gỗ - Hải Phòng

Ngày 10/6, Hội kéo ngựa gỗ - một lễ hội của người dân xã An Đồng, thành phố Hải Phòng tưng bừng diễn ra. Hội kéo ngựa gỗ được tổ chức vào ngày 10/6 âm lịch hàng năm để kỷ niệm chiến thắng của quân dân An Đồng trước quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1288.

Các đội đang kéo ngựa chạy vòng quanh để chấm điểm. Ảnh lehoi.info
Các đội đang kéo ngựa chạy vòng quanh để chấm điểm. Ảnh lehoi.info

Ngựa gỗ là biểu tượng cho sức mạnh và sự kiên cường của quân dân An Đồng. Hội kéo ngựa gỗ có nhiều hoạt động thú vị như: lễ cúng tế, diễu hành, kéo ngựa gỗ qua các làng xóm, thi ca kèo quan họ…

Lễ hội kéo ngựa gỗ là lễ hội truyền thống gắn liền với lịch sử của người dân Hoàng Châu từ thời phong kiến. Được biết lễ hội xuất hiện từ hơn 300 năm về trước với những nghi lễ được gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày hôm nay.

Hàng năm nhân dân Hoàng Châu cùng nhau tổ chức lễ hội kéo ngựa gỗ, rước kiệu nhằm tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng Đô Nguyên Soái Tuyên Nghi Chi thần, Phó Nguyên Soái Duy Bùi chi thần, cùng các vị thần linh và Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa, bà đã có công lớn trong việc xây dựng, gìn giữ non sông.

Tại đình Hoàng Châu còn lưu giữ nhiều ấn phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng tâm linh. Trước đây, lễ hội kéo ngựa gỗ được dân làng tổ chức vào những năm bão lũ, gió to sóng lớn nhằm cầu mong các vị thần linh chở che, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng để ngư dân biển đảo được bình an, may mắn, yên tâm đánh bắt.

Lễ hội kéo ngựa gỗ Hoàng Châu từ lâu đã trở thành phong tục truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây là việc làm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", bày tỏ lòng thành kính biết ơn của người dân làng Hoàng Châu đến Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa, người có công khai sinh ra làng và những vị anh hùng dân tộc đã hi sinh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước. Ngoài ra, việc cúng lễ tại đình Hoàng Châu còn giúp mọi người, mọi nhà cầu lộc, cầu tài, cầu bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đời đời no ấm.

Tổ chức lễ hội kéo ngựa gỗ là việc làm tôn vinh những giá trị văn hóa, tâm linh của con người Việt Nam, đồng thời giúp gìn giữ, phát huy những phong tục truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hoàng Châu và người dân đất Việt. Ngoài ra, lễ hội kéo ngựa gỗ còn là dịp để quảng bá những hình ảnh đẹp, những danh lam thắng cảnh, những giá trị truyền thống, tín ngưỡng của Việt Nam đến với thế giới.

Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần sẽ là điểm hẹn tâm linh lý tưởng cho nhân dân Hải Phòng và du khách thập phương đến tham gia, hòa chung vào không khí vui tươi và được trải nghiệm những nghi lễ, những trò chơi độc đáo và những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Việt.

Ngày 10/6 – 20/6 (tức ngày 15/7- 25/7 dương lịch): Lễ hội Quan Lạn - Quảng Ninh

Lễ hội Quan Lạn là một lễ hội truyền thống của người dân đảo Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Lễ hội được tổ chức từ ngày 10/6 đến 20/6 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công ơn của vị thần Trần Khánh Dư – một vị tướng nổi tiếng của nhà Trần, đã có công bảo vệ biên cương và phát triển kinh tế đảo Quan Lạn. Lễ hội có nhiều hoạt động như: lễ cúng tế, diễu hành, thi chèo thuyền, thi bơi, thi đá cầu, thi đấu võ cổ truyền…

Tháng 6 âm lịch có lễ hội gì đặc biệt?
Lễ hội Quan Lạn mang dấu ấn của một hội làng truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển. (Ảnh Sưu tầm)

Lễ hội Quan Lạn vừa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư, vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển.

Ngày 10 tháng 6: khoá làng (một tục làm trong lễ hội của người Việt), dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa và khách thập phương lại có thể về làng dự hội.

Lễ hội Quan Lạn có tục đua thuyền khác với bơi trải. Dân làng chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ lập doanh trại riêng từ ngày 13 để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Thuyền đua thường là thuyền đi biển trọng tải 5 đến 6 tấn, rộng và sâu lòng, được hạ buồm, trang trí đầu rồng ở mũi thuyền.

Ngày 16 làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.

Ngày 18/6 vào 3 giờ chiều (năm nào cũng vậy thường lúc này nước triều lên tới sát bến của đình) hai bên bắt đầu xuất phát. Lính bên văn áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh, lính bên võ quần áo xám hoặc đen. Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.

Ngày 12/6 (tức ngày 17/7 dương lịch): Lễ hội đền Ba Xã - Hà Nội

Lễ hội này được tổ chức thường niên vào ngày 12/6 âm lịch, tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Năm thôn: Thịnh Thần, Thịnh Bằng, Thịnh Cầu, Thịnh Hạ và Thịnh Thượng tổ chức tục thờ theo cổ lệ này, nhằm tưởng nhớ ơn khai trí và giúp dân làng no ấm của vị thành hoàng họ Mạc tên Trâu Trắng.

Nghi thức cúng tế trong ngày hội. Ảnh lehoi.info
Nghi thức cúng tế trong ngày hội. Ảnh lehoi.info

Đền Ba Xã có tục thờ theo cổ lệ của 5 thôn: Thịnh Thần, Thịnh Cầu, Thịnh Bằng, Thịnh Thượng và Thịnh Hạ, nhằm tưởng nhớ công ơn khai trí và giúp cho nơi đây trở nên phồn thịnh, an cư của đức thánh Mạc Trâu. Lễ hội thu hút sự chú ý của rất nhiều người vào mỗi năm. Mờ đầu khai hội đền Ba Xã bằng tiếng trống màu cờ, kiệu rước rộn rã. Sau khi đã tề tựu đầy đủ thì lễ rước nước bắt đầu. Đoàn rước với đầy đủ đại diện năm thôn, đội cờ dẫn đầu, đội nhạc đi sau, tiếp đó là đội rước hương án và kiệu rước chum nước. Nước rước về dung cho lễ mộc dục (mộc dục là tiếng Hán, nghĩa là tắm gội).

Tiếp sau là lễ tế thần, lễ tế các dòng họ, các gia đình và khách thập phương… Bên cạnh các lễ tế, lễ hội đền Ba Xã còn có rất nhiều hoạt động vui chơi, chủ yếu là các loại thể trò chơi dân gian như: chơi đập bị gạo và túm nước, thi chọi gà, múa rồng, múa lân, đấu vật…

Ngày 15/6 – 17/6 (tức ngày 20/7- 22/7 dương lịch): Lễ hội Nghinh Ông - Bến Tre

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội truyền thống của người dân ven biển miền Tây Nam Bộ, được tổ chức vào những ngày 15/6 – 17/6 âm lịch hàng năm tại các địa phương có biển như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Lễ hội là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính và cầu mong sự phù hộ của Ông Nam Hải – vị thần bảo trợ cho ngư dân và người làm nghề biển.

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội truyền thống của người dân Bến Tre (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội truyền thống của người dân Bến Tre. Ảnh sưu tầm

Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra trong lễ hội như: lễ cúng tế, lễ rước Ông trên biển, lễ rước Ông vào bờ, diễu hành, thi chèo thuyền, thi bắn súng lục…

Lễ hội Nghinh Ông là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân vùng biển. Đây là dịp để người dân làm nghề biển tỏ lòng biết ơn đối với Ông cá voi, gửi gắm niềm tin và hi vọng vào vị thần hộ mạng sẵn sàng cứu giúp họ trong những lúc hiểm nguy giữa biển khơi đầy sóng gió; đồng thời cầu mong biển lặng, gió hòa, giúp người dân có được một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an. Lễ hội cũng phản ánh ước mơ chính đáng của ngư dân như một sự tri ân đối với biển cả bởi họ mong muốn được “ăn nên làm ra” thuận buồm khi ra biển và không quên ơn nghĩa công đức Tổ nghiệp.

Lễ hội Nghinh Ông ở xã Bình Thắng đã được gìn giữ và lưu truyền từ hàng trăm năm qua. Ngày 10/3/2016, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi nhận Lễ hội Nghinh Ông, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 21-23/6 (tức ngày 26/7- 28/7 dương lịch): Lễ hội Thanh Phước – Thừa Thiên Huế

Thanh Phước là một làng nhỏ nằm dọc sông Bồ, trước làng là ngã ba Sình, thuộc xã Hương Phong, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Hàng năm làng cử hành lễ lớn để tưởng nhớ đến vị khai canh làng là ngài Phan Niệm, được tôn làm Thành hoàng làng.

Tháng 6 âm lịch có sự kiện, lễ hội gì đặc biệt?
Lễ hội Thanh Phước diễn ra vào tháng 6 âm lịch hàng năm của làng Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ảnh minh họa

Lễ hội được tổ chức hàng năm. Cứ ba năm một lần đại lễ, vào các năm Ngọ, Dậu, Tý, Mão. Ngày chính hội là ngày 22/6. Đại lễ được tổ chức trong vòng 3 ngày (từ 21-23 tháng 6 âm lịch)

Tiểu sử của ngài Phan Niệm được dân làng kể một cách trang trọng. Năm 1471, ngài Phan Niệm cùng các con là Phan Đường, Phan Lăng theo vua Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành, sau khi thắng trận được phong: Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân, Đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y, tước Niệm Long Hầu, trông coi các phủ huyện đời Lê là Kim Hoa (sau này là Kim Trà, Hương Trà), Hải Lăng, Võ Xương (sau này là Hải Lăng, Triệu Phong).

Ngày 21/6: Các sinh hoạt thể thao, vui chơi của dân làng, trọng thể nhất là đua ghe, làm vé mời các trải bạn đến đua. Từ 8 giờ đến 11 giờ sáng dành cho ghe đua của các làng khác tranh trài. Dân làng vui chơi các trò chơi dân gian như thả vịt lội đua, kéo dây (nam, nữ), nhảy bao bố, cỡi ngựa đốt pháo, bóng chuyền, bóng đá, đua xe đạp chậm.

Ngày 22/6 (ngày chính tế). Bắt đầu lễ cung nghinh. Làm lễ Phật tại chùa Hoàng Phúc. Chùa thờ Phật, Bổn thổ thành hoàng vừa là khai canh, thập nhị tôn phái (trước 1975).

Lễ phơi bộ: Thế bàn cúng trước chùa, trước khi cung nghinh.

Trình tự đám rước, hành trình từ niệm Phật đường Hoàng Phúc tự đến miếu thờ ngài khai canh (Đình kỵ). Lễ rước sắc phong ngày trước ăn mặc theo y phục cổ truyền.

Nghi thức cúng tại miếu ngài khai canh theo nghi lễ cổ truyền. Chỉ tế là tiên chỉ, cùng với hai vị bồi tế hai bên tả hữu, sau phần lễ, văn tế, có một bô lão đọc tiểu sử ngài và lịch sử làng Thanh Phước.

Ngày 23/6: Cúng lại trước khi lễ tất. Cung nghinh trở lại, đưa bài vị ngài và sắc phong về chùa.

Đối với các dân làng ở xa về dự lễ, tại miếu ngài khai canh, có đặt một số bàn ở phía ngoài để nhận lễ vật. Sau lễ hành hương và dùng cơm thân mật buổi trưa. Buổi tối ngày 22/6 có buổi tọa đàm gồm các bô lão, các người hiểu biết, tộc biểu góp ý kiến xây dựng, mở hướng tổ chức cho các năm tới.

Lê Nguyệt tổng hợp

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục