Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, Algeria tăng trưởng 3 con số

(Banker.vn) Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Indonesia, Nga, Algeria tăng trưởng 3 con số.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan tăng trưởng 3 con số EU thay đổi quy định nhập khẩu, xuất khẩu cà phê Việt đối diện thách thức

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 210,37 nghìn tấn, trị giá 482,43 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,23 tỷ USD, giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, Algeria tăng trưởng 3 con số
Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, Algeria tăng trưởng 3 con số

Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.293 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng 2/2023 và tăng 2,0% so với tháng 3/2022. Tuy nhiên, tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.222 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hà Lan giảm so với tháng 3/2022, tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: Indonesia, Nga, Algeria, Hoa Kỳ. Tính chung, quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hà Lan. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Indonesia và Algeria ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên đến 3 con số so với quý I/2022.

Cụ thể, ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong tháng 3/2023 là thị trường Nga với trị giá đạt 30,7 triệu USD, tăng 418% so với cùng kỳ. Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu cà phê sang Nga tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện Nga là một trong 4 khách hàng lớn nhất của cà phê Việt xuất khẩu.

Đứng thứ hai là Indonesia với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3/2023 đạt gần 18 triệu USD, tăng gần 363% so với tháng 3/2022. Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường này thu về gần 39,3 triệu USD, tăng 209% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị xuất khẩu cà phê sang Algeria trong tháng 3 đạt gần 17 triệu USD, tăng tới 184,5% so với tháng 3/2022. Còn trong quý I/2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt gần 40,1 triệu USD, tăng 126,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với thị trường Hoa Kỳ, tháng 3, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 34,5 triệu USD, tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 86 triệu USD, tăng 26,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, trong quý I/2023, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 220.749 tấn cà phê sang thị trường EU với trị giá thu về 473,7 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Hiền - Chánh văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) - cho biết, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 808 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,7% lên 419,8 triệu USD. Do đó, tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam theo đó tăng lên mức 34% từ 31% của cùng kỳ; trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 69% xuống còn 66%.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm trong quý I là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mua hàng. Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất, tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua. Mặt khác, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường.

Tổ chức Cà phê quốc tế ước tính, nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại. Theo dự báo này, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023. Tuy nhiên, sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.

Thị trường cũng đang chờ dữ liệu báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 3/2023 của Brazil khi ước tính ban đầu giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo tốc độ tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại. Lo ngại lạm phát ở EU và lãi suất ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ không còn chắc chắn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng tình hình giá cả đang ở mức cao, dao động từ 49.300 - 49.800 đồng/kg, cùng hỗ trợ kép khi nhu cầu tăng trưởng ổn định trở lại và hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều có sản lượng thấp, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê trên 4 tỷ USD, tiếp nối kỷ lục năm 2022.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương