Tháng 1/2021, doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 22% so với cùng kỳ

(Banker.vn) Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong tháng 1/2021 có 10.091 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong tháng 1/2021 đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395.063 tỷ đồng (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 1/2021 là 115.897 lao động, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020. Có 13/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Số lượng DN thành lập mới tăng ở tất cả các quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng với 8.792 DN (chiếm 87,1%, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020). Số DN đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 634 DN (chiếm 6,3%, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng là 326 DN (chiếm 3,2%, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 172 DN (chiếm 1,7%, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 167 DN (chiếm 1,7%, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2021 là 6.503 DN, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số DN quay lại hoạt động trong tháng 1/2021 giảm trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong tháng 1/2021, có 25.752 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 18.055 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.602 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 2.095 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 là 18.055 DN, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình hoạt động của DN, đặc biệt là trong tháng cuối năm, khi hầu hết DN chờ đợi sang năm mới để tìm hướng đi và các mặt hàng, đối tác phù hợp để triển khai kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, ngày 31/12 hằng năm thường là thời điểm DN kết thúc năm tài chính của mình, điều này cũng khiến cho số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 1/2021 tăng cao.

Trong tháng 1/2021, số DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 5.602 DN, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng ở 11/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng DN chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.151 DN, chiếm 38,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (649 DN, chiếm 11,6%); Xây dựng (526 DN, chiếm 9,4%).

Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng /2021 là 2.095 DN, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020. 15/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ DN giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất phân phối, điện, nước, gas; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; vận tải kho bãi; khai khoáng và giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 142,9%; 68,8%; 47,7%; 46,2% và 42,6%.

Theo Bộ KH&ĐT, phần lớn các DN phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những DN trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng DN rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này, đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thanh Thanh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: