Tháng 1/2024, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 30.648 tỷ đồng

(Banker.vn) Theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1- 31/1/2024 đạt 30.648 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất nhập khẩu hàng hóa: Nhiều tín hiệu tích cực tháng đầu năm 2024 Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2024 đối diện thách thức mới Thông tin về hoạt động thông quan tại các cửa khẩu trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán

Thông tin với báo chí chiều ngày 6/2, Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu trong tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 2,1 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu tháng 1/2024 ước tăng 42% (tương ứng tăng 9,92 tỷ USD).

Tháng 1/2024, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 30.648 tỷ đồng
Công chức Cục Hải quan Đồng Nai - Tổng cục Hải quan kiểm tra mã hàng hoá xuất, nhập khẩu

Trong khi đó, nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% (tương ứng tăng 1,25 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu tháng 1/2024 ước tăng 33,3% (tương ứng tăng 7,66 tỷ USD).

Tổng xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 5,5% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, tổng xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước tăng 37,7% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD). Như vậy, cán cân thương mại tháng 1/2024 ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/1/2024 đạt 30.648 tỷ đồng, đạt 8,2% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.

Nhờ đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.

Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa vận xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mặt khác, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Theo đó, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67.000 doanh nghiệp. Kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung. Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để đạt được mục tiêu đó, cải cách hành chính được Tổng cục Hải quan xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương