Thận trọng với lạm phát trong năm 2022

(Banker.vn) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 được dự báo thấp hơn mục tiêu đề ra là 4%, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn do giá đầu vào của nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI 10 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, CPI năm 2021 tăng khoảng 2%, nhưng áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn do giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng, tác động đến giá nguyên, nhiên liệu trong nước.

Liên quan đến nhận định trên, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, giá năng lượng thế giới như xăng dầu, than, gas từ đầu năm đến nay tăng khoảng 70%. Trong đó, bình quân giá dầu thô tăng khoảng 50 - 55% so với bình quân 2020, đã khiến lạm phát trong nước tăng thêm 0,2-0,3 điểm phần trăm.

Giá xăng dầu tăng kéo theo rất nhiều hàng hóa khác tăng giá như nông sản, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng. Trong đó, riêng sắt thép từ đầu năm đến nay bình quân tăng khoảng 25 - 30%, điều này sẽ tác động đến lạm phát của Việt Nam trong quý IV và năm 2021, nhưng không đáng ngại. Bởi 3 lý do, thứ nhất, nhà sản xuất chuyển ngay mức giá tăng đó vào giá bán hàng hóa cuối cùng, bởi vẫn lo ngại doanh nghiệp và người dân còn khó khăn sau tác động giãn cách kéo dài của dịch Covid-19; thứ 2, sức cầu tiêu dùng vẫn yếu và thứ 3, vòng quay của đồng tiền còn chậm, chỉ khoảng 0,65 lần (1/3) so với thời điểm lạm phát cao trước đây, nên không lo ngại nhiều về lạm phát trong năm 2021.

"Tuy nhiên, sang đến năm 2022 thì không được chủ quan, và chúng ta cần rất thận trọng với câu chuyện lạm phát" - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Một nguyên nhân nữa khiến lạm phát được dự báo tăng mạnh vào năm 2022, đó là, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 sẽ có hiệu lực sau một thời gian thực hiện, kích thích đến tổng cầu, kích thích tăng giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021 - 2022.

Đồng tình với quan điểm lạm phát có thể tăng mạnh trong năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, để kiểm soát lạm phát vào năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp điều hành, bao gồm: Chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp, nhằm hạn chế mức tăng giá mặt hàng này lên CPI chung. Đối với các nguyên liệu đầu vào như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước và ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

PGS.TS. NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh:

Rủi ro lạm phát do chi phí đẩy là rất lớn, do vậy các bộ, ngành liên quan cần thận trọng trong chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Nguyễn Hòa

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương