Thân mẫu 'gặp nạn', doanh nhân Cường 'Đô la' tiếp quản Quốc Cường Gia Lai (QCG)

(Banker.vn) Làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai chưa có tín hiệu dừng lại. Một tuần, mã này mất tới 35% giá trị, vốn hóa bị thổi bay 1.140 tỷ đồng.
Facebook của Cường “Đô La” và vợ khóa bình luận sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên tục ‘nằm sàn’ sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt Quốc Cường Gia Lai nói gì sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt?

Mới đây, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) đã công bố nghị quyết thông qua nội dung bổ sung tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2, dự kiến tổ chức ngày 30/7 tới đây.

Trong đó, nổi bật là đề nghị bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường (hay thường gọi là doanh nhân Cường "Đô la") làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ năm 2022 - 2027.

Thân mẫu 'gặp nạn', doanh nhân Cường 'Đô la' tiếp quản Quốc Cường Gia Lai (QCG)
Thân mẫu 'gặp nạn', doanh nhân Cường 'Đô la' tiếp quản Quốc Cường Gia Lai (Ảnh minh họa)

Theo đó, Hội đồng quản trị cũng thông qua miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện doanh nghiệp, thay thế cho bà Loan - người vừa bị khởi tố và tạm giam hôm 19/7 để phục vụ điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sự việc diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan.

Bà Loan bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP. Hồ Chí Minh (rộng hơn 6.000 m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước). Phía Quốc Cường Gia Lai cho biết, vụ việc trên vẫn đang trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Thị Như Loan đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan.

"Sự việc trên chỉ liên quan đến dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng từ hai công ty tư nhân và chuyển nhượng hoàn tất cho đối tác từ năm 2014. Hội đồng quản trị sẽ sớm tìm người phụ trách điều hành doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất để thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến Quốc Cường Gia Lai, đảm bảo hoạt động bình thường”, Quốc Cường Gia Lai thông tin.

Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai cho biết vụ việc trên không làm thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của công ty. Các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của quý khách hàng, cổ đông, đối tác đang có giao dịch, hợp tác với doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

"Hiện doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Các hoạt động kinh doanh và giao dịch với đối tác vẫn đang được thực hiện. Quốc Cường Gia Lai cam kết sẽ nỗ lực tối đa để ổn định mọi hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp đối với khách hàng, cổ đông, đối tác…", thông báo nêu rõ.

Động thái xoa dịu tâm lý đối tác, khách hàng, nhà đầu tư của Quốc Cường Gia Lai là đáng ghi nhận, tuy nhiên, đó chưa đủ để giúp niềm tin của họ dành cho doanh nghiệp từng là "ông lớn" bất động sản phía Nam bớt lung lay. Trên thị trường, cổ phiếu QCG đang chứng kiến những phiên giao dịch hết sức tồi tệ, số lượng bán áp đảo toàn bộ lượng đặt mua, khiến mã này liên tục giảm kịch biên độ từ đầu tuần trước tới nay.

Chỉ trong 1 tuần, mã QCG đã mất gần 35% giá trị, tương ứng vốn hóa thị trường bị thổi bay hơn 1.140 tỷ đồng, dẫn đầu top cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường. Hết phiên giao dịch hôm nay (23/7), làn sóng tháo chạy chưa dứt, QCG "đánh rơi" thêm 6,99% giá trị xuống còn 7.850 đồng/cp.

Ánh Dương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục